Từ năm 2022 trở lại đây, chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và quốc tế thường xuyên giữ ở mức cao, nhất là vàng miếng SJC. Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng thế giới, cao điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng. Nhiều giải pháp kéo giảm chênh lệch được đưa ra, trong đó có việc đấu thầu vàng. Tuy nhiên, càng đấu thầu thì giá vàng trong nước càng cao. Theo đó, giải pháp này đã phải dừng lại và thay vào đó là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trực tiếp bán vàng. Sau hơn một tuần triển khai (từ ngày 3-6), giá vàng trong nước đang dần hạ nhiệt…
Người dân xếp hàng mua vàng tại Agribank
Giá bán căn cứ theo giá vàng thế giới
Theo ông Phạm Quang Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC (hơn 1,8 tấn). Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung – cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
Nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN tổ chức bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm: VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Về giá vàng, theo ông Dũng, giá vàng mà NHNN bán cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ theo giá thế giới.
Là một trong 4 big bank được giao nhiệm vụ “hạ nhiệt” thị trường vàng, ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc BIDV – cho biết, giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite chính thức của các ngân hàng thương mại Nhà nước để người dân tiện theo dõi.
“Chúng tôi xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN. Việc này sẽ góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới”, ông Lâm nói.
Ông Phạm Toàn Vượng – Tổng Giám đốc Agribank – thông tin: “Về giá bán, chúng tôi tham gia vào thị trường để bán vàng, không vì mục đích lợi nhuận mà quan trọng nhất là thực hiện mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế so với hiện nay…”.
Ngoài ra, theo ông Vượng, ngân hàng triển khai bán vàng cho các cá nhân có nhu cầu với thủ tục thuận tiện, đơn giản nhưng khách hàng phải tuân thủ một số quy định giao dịch, thanh toán hợp pháp về hóa đơn và phòng chống rửa tiền. Cụ thể, việc xuất hóa đơn, thanh toán qua tài khoản giúp khẳng định được giao dịch hợp pháp, cũng là khẳng định quyền sở hữu của người mua; đồng thời điều này cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được các giao dịch, lượng vàng luân chuyển trong cá nhân, tổ chức và các đơn vị được phép kinh doanh vàng.
Tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, giải đáp các thắc mắc của đại biểu Quốc hội xung quanh giá vàng, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc NHNN – thừa nhận, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng (trong nước và thế giới) là một nhiệm vụ thách thức. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành phải phối hợp ở tất cả các khâu để tăng cường minh bạch các giao dịch thị trường vàng. Theo đó, NHNN đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn, chứng từ, các giao dịch về phòng chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng…
Theo ông Lê Quang Huy – Phó Chánh Thanh tra, giám sát NHNN, Trưởng đoàn Thanh tra, đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Vàng là hàng hóa đặc biệt, liên thông với thị trường ngoại tệ, liên quan rất lớn tới điều hành kinh tế vĩ mô. Trước năm 2012, cả nước có 8 doanh nghiệp nhập vàng miếng nhưng giữa cung và cầu, niêm yết giá rất phức tạp. Do bất cập của thị trường vàng nên Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Sau khi Nghị định 24 ra đời và có hiệu lực, 8 doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nữa. Khi đó, Nhà nước độc quyền và NHNN chịu trách nhiệm nhập vàng nguyên liệu, nhập khi có nhu cầu cần thiết. Sau giải pháp này, thị trường diễn biến ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường trong nước bộc lộ hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC giữa thị trường trong nước và quốc tế thường xuyên giữ ở mức cao. Do đó rất nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải xóa độc quyền nhập khẩu vàng, Nghị định 24 cần phải nhanh chóng được sửa đổi… |
Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra các nội dung: việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; việc chấp hành các quy định pháp luật về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2020 đến ngày 15-5-2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Ông Dũng nhấn mạnh, đoàn thanh tra tập trung làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) và kiến nghị, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển ngay sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thông tin, thời gian tới NHNN sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Thùy Linh
Bình luận (0)