Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trong năm học này được nhiều địa phương, trường học tại TP.HCM làm mới từ cách thức tổ chức cho đến khâu phục vụ, hướng tới việc nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Học sinh ở nhiều trường được góp ý xây dựng thực đơn, chấm điểm bữa ăn bán trú
Đổi mới cách thức tổ chức bữa ăn bán trú
Xác định việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là vấn đề “nóng bỏng” cần phải được nâng cao hơn nữa về khâu an toàn, minh bạch, từ năm học này ngành giáo dục Q.7 đã thực hiện đổi mới việc cung cấp suất ăn cho học sinh bán trú bằng hình thức đấu thầu, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng ngừa vi phạm.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.7 cho biết, bước đầu quận đã xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp suất ăn cho học sinh, hướng dẫn 3 trường thực hiện thí điểm. Đến nay, việc thực hiện đấu thầu đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo quy trình chặt chẽ, việc cung cấp suất ăn được phụ huynh, giáo viên, nhân viên nhà trường đánh giá thông qua bộ tiêu chí ban đầu góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. “Dự kiến năm 2024, tất cả các trường tiểu học, THCS trên toàn quận sẽ áp dụng mô hình này sau khi quận tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm từ việc thí điểm”, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.7 thông tin.
Với Q.4, để gia tăng hiệu quả, đảm bảo an toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn quận, năm nay lần đầu tiên quận thực hiện song song 2 đơn vị cung cấp suất ăn bán trú trong cùng một trường. Mỗi đơn vị sẽ luân phiên cung cấp suất ăn bán trú trong trường theo từng tháng. Cô Lê Thị Thùy (Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn, Q.4) cho hay, đối với việc cùng lúc 2 đơn vị thực hiện cung cấp suất ăn bán trú trong trường học trước hết sẽ tạo ra sức cạnh tranh để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú. Nếu đơn vị nào không đảm bảo an toàn trong việc cung cấp bữa ăn sẽ được nhà trường ngưng triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. “Mới đây khi có sự việc một số học sinh nhà trường bị đau bụng sau bữa ăn bán trú, nhà trường ngay lập tức đã ngừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn bán trú đó. Đồng thời tiến hành tìm kiếm thêm một đơn vị cung cấp suất ăn bán trú khác để đảm bảo trong trường luôn có đồng thời 2 đơn vị cùng phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh”, cô Lê Thị Thùy cho biết.
Học sinh góp ý về thực đơn, chấm điểm bữa ăn
Song song với việc đổi mới cách thức tổ chức bữa ăn bán trú, nhiều trường học tại TP.HCM hiện đang chủ động triển khai nhiều biện pháp như chụp ảnh bữa ăn, công khai lấy ý kiến thực đơn bán trú, cho học sinh chấm điểm bữa ăn hàng ngày… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Tại Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), thực đơn bữa ăn bán trú trong tuần được nhà trường công khai đến học sinh trước đó một tuần để có sự góp ý, từ đó nhà trường điều chỉnh phù hợp. Với những món ăn trong thực đơn từng ngày, nếu học sinh nào muốn đổi món, các em cũng sẽ có ý kiến sớm với bộ phận bán trú để thông báo với đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú phục vụ thêm các món phụ thay thế cho học sinh trong ngày hôm đó.
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn bán trú Sở GD-ĐT TP.HCM đã lên kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú tại nhiều đơn vị, như: Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, Q.4, Q.Bình Tân và các trường: THPT Gia Định, THPT Thanh Đa, THPT Trưng Vương, THPT Lê Quý Đôn, THPT Trần Khai Nguyên, THPT Tân Phong. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh, các đơn vị thực hiện nghiêm các công văn hướng dẫn về công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Việc tổ chức bữa ăn cần phân chia thời gian mỗi ca ăn của học sinh hợp lý. Khu vực nhà ăn thông thoáng, sạch sẽ. Việc tổ chức bữa ăn cần vận dụng hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng; tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường thể lực cho học sinh. Điều kiện về an toàn thực phẩm đảm bảo theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. “Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh. |
Ngoài công khai, lấy ý kiến về thực đơn bán trú, để siết chặt hơn nữa an toàn, chất lượng trong khâu tổ chức bữa ăn bán trú, thầy Lê Hữu Hân (Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa) cho biết thêm, hiện nay nhà trường còn tiến hành chụp lại ảnh bữa ăn bán trú hàng ngày, đồng thời khảo sát sự hài lòng mỗi ngày của học sinh với chất lượng bữa ăn bán trú. “Việc này không chỉ giúp nhà trường cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú phục vụ học sinh mà còn giúp giải đáp những thắc mắc của phụ huynh xung quanh chất lượng bữa ăn bán trú. Khi tiếp nhận ý kiến của phụ huynh, nhà trường sẽ có hình ảnh minh chứng trong từng ngày. Đặc biệt, bất cứ khi nào phụ huynh cũng có thể đến trường để giám sát khâu phục vụ bữa ăn bán trú của nhà trường, ăn cùng học sinh…”, thầy Lê Hữu Hân nhìn nhận.
Năm học này, do trường đang trong quá trình xây sửa, vì thế Trường THCS Minh Đức (Q.1) chuyển từ việc phục vụ bán trú tại trường sang đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú. Sự thay đổi này đã khiến không ít phụ huynh, học sinh không quen. “Việc đổi khâu tổ chức bữa ăn từ bếp ăn nhà trường tự nấu sang đơn vị cung cấp bữa ăn công nghiệp thời gian đầu nhà trường đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ứng của phụ huynh. Một số phụ huynh nêu ý kiến cho rằng bữa ăn bán trú do đơn vị cung cấp suất ăn phục vụ chưa ngon, học sinh không hợp khẩu vị… Từ thực tế này, nhà trường đã liên tục làm việc với đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú để có sự điều chỉnh trong thực đơn, khẩu vị, song song đó phối hợp cùng với Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra, giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú, từ quá trình tiếp phẩm cho đến khâu chế biến, vận chuyển”, cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức) cho biết.
Đặc biệt, theo cô Trần Thúy An, nhà trường còn cho học sinh chấm điểm bữa ăn về mức độ hài lòng, khẩu vị, món ăn…, từ đó nhà trường có ý kiến với đơn vị cung cấp để chất lượng bữa ăn bán trú phục vụ học sinh tốt nhất.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)