Bên cạnh các đề án đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước, hiện nay, thông qua quan hệ đối tác của nhà trường, cán bộ giảng viên nhiều trường ĐH thường xin được học bổng học tập tại các trường nước ngoài.
Tiếp nối các đề án đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục ĐH bằng ngân sách nhà nước các giai đoạn trước đó, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ GV, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030" (Đề án 89) vào năm 2019. Mục tiêu của đề án đến năm 2030, có khoảng 7.300 giảng viên (GV) được đào tạo trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện tại số GV được cơ sở đào tạo cử tham gia đề án này rất thấp so với chỉ tiêu được giao.
Hiện nay giảng viên nhiều trường ĐH du học chủ yếu bằng học bổng từ các trường, viện nước ngoài. NVCC
Mục tiêu cụ thể của Đề án 89 là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% GV ĐH; trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% trong nước và phối hợp với các trường ĐH nước ngoài. Để đạt mục tiêu trên, trong khoảng 10 năm cần đào tạo khoảng 7.300 GV trình độ tiến sĩ và trên 300 GV thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Nhưng theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện số GV các trường ĐH tham gia đề án này trong 2 năm gần đây đều thấp hơn chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, năm 2022 tổng chỉ tiêu giao đào tạo gồm 766 người trong nước và 251 ở nước ngoài, kết quả thực hiện chỉ đạt 24% trong nước và 32% nước ngoài (chỉ 80 người đi học nước ngoài). Năm 2023, tổng chỉ tiêu giao đào tạo là 319 người trong nước và 202 người ở nước ngoài, nhưng khả năng thực hiện dựa trên số đã đi học và các trường báo cáo chỉ khoảng 37% ở trong nước và 64% ở nước ngoài. Theo đại diện Vụ Giáo dục ĐH, việc triển khai Đề án 89 đang bị chậm, các trường thực hiện rất ít so với chỉ tiêu được giao theo số đăng ký hoặc cam kết ban đầu.
Có trường học bổng tiến sĩ thông qua hợp tác lên đến 95%
Từ thực tế trường ĐH, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết trường có GV đi học bằng ngân sách nhà nước theo Đề án 911. GV của trường đi học tiến sĩ ở nước ngoài đa số bằng học bổng ngoại giao thông qua quan hệ hợp tác quốc tế của trường với trường đối tác. Nguồn đi học này chiếm tới 95% tổng số các suất đi học nước ngoài của GV bởi nhiều lý do. Cụ thể, nhà trường không tốn chi phí đào tạo, người học không phải đóng học phí mà còn được học bổng và sinh hoạt phí, trong khi trường đối tác cũng được hưởng lợi thông qua dự án nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế giữa 2 trường.
"Trong khi đó, việc đi học bằng học bổng ngân sách nhà nước có quá nhiều ràng buộc và ít lựa chọn. Mỗi quốc gia chỉ giới hạn một số suất học bổng trong khi GV có những mong muốn về lựa chọn đất nước, trường ĐH, thậm chí giáo sư hướng dẫn cụ thể. Do đó, ít lựa chọn nơi học tập là điểm nghẽn chính khi tham gia các chương trình bằng ngân sách nhà nước", PGS Hoàn cho hay.
TS Phạm Nguyễn Huy Phương, Phó phòng tổ chức hành chính Trường ĐH Công thương TP.HCM, bảo vệ luận văn tiến sĩ tại Trường ĐH Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Czech), theo học bổng ngoại giao của trường. NVCC
Số liệu thống kê sơ bộ của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho thấy, năm 2022 trong số 30 – 40 người đi học nước ngoài, chỉ khoảng trên 10% đi bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, đề án 89 hiện có một vài người tham gia. "Hiện nay, thông qua quan hệ đối tác của nhà trường, cán bộ giảng viên dễ dàng xin được học bổng học tập tại các trường nước ngoài", PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết hiện tại GV của trường đi học nước ngoài chủ yếu bằng học bổng từ các trường, viện, bởi lẽ thủ tục đơn giản, mức học bổng cao, không ràng buộc quy định phải quay trở về làm việc cho trường ngay sau khi tốt nghiệp. Một xu hướng của không ít GV sau khi tốt nghiệp chương trình tiến sĩ là tiếp tục xin học bổng sau tiến sĩ.
Đi học tiến sĩ được coi như một nhiệm vụ của GV. Do đó, GV đi học hay làm việc tại trường đều được trả 100% thu nhập và các chế độ khen thưởng như nhau. Nhờ vậy, GV yên tâm đi học nâng cao trình độ và khi trở về không nỡ bỏ trường đi chỗ khác
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công thương TP.HCM
|
Giải pháp nào thực sự hiệu quả ?
Dù chiếm tỷ trọng không nhiều nhưng theo đại diện các trường ĐH, chương trình du học bằng ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng trình độ đội ngũ GV các cơ sở đào tạo.
Từng tham gia khóa đầu tiên của Đề án 322, PGS-TS Trần Thiên Phúc nhìn nhận: "Dù có nhiều nguồn học bổng du học nhưng đầu tư của nhà nước có vai trò quan trọng. Đây là cơ hội rất tốt để GV tham gia học tập nâng cao trình độ và đa phần người đi học đều quay về làm việc".
Để chương trình được triển khai hiệu quả, PGS-TS Phúc cho rằng vấn đề nằm ở cách thức ràng buộc người đi học trở về. Về mặt pháp lý, cơ quan quản lý trực tiếp phải có sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên với người được cử đi học. Ông Phúc cho rằng việc Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho cơ quan công tác của người được cử đi học là hợp lý. Qua mỗi học kỳ, GV đi học phải gửi báo cáo tiến độ học tập về trường, khi có sự gián đoạn trường có thể nắm bắt ngay.
"Hơn nữa, sự ràng buộc cần thiết còn về mặt tinh thần, cụ thể là sự quan tâm nhiều hơn của trường ĐH với người được cử đi học. Quan trọng nhất vẫn là cần lựa chọn những ứng viên có thâm niên làm việc tại trường tối thiểu 5 – 7 năm để có sự gắn bó nhiều hơn với nơi công tác", PGS Phúc đề xuất.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết: "Đúc rút kinh nghiệm nhiều trường và nhiều GV, chính chế độ cho người đi học tốt là yếu tố quan trọng nhất để người đi học yên tâm hoàn thành việc học và giữ chân người đi học khi trở về trường".
Các chương trình học bổng nước ngoài do các trường, giảng viên tự tìm kiếm thường ở mức cao và ít ràng buộc. NVCC
Cũng theo ông Hoàn, bên cạnh việc trả thu nhập, trường cũng có những cam kết "cứng" với người được cử đi học. Chẳng hạn, sau khi đi học phải làm việc tối thiểu 5 năm cho trường, báo cáo tiến độ học tập từng học kỳ cho trường, nếu không báo cáo sẽ bị cắt thu nhập. Ngoài ra, các dịp lễ tết, người đi học có trách nhiệm về trường tham gia các hoạt động như hội thảo hoặc tham gia giảng dạy trực tuyến…
Đề xuất thêm về chính sách này, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh cho rằng cần đơn giản hơn thủ tục nhưng quy trình cần hiệu quả hơn để theo dõi tốt người đi học. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm từ phía Lãnh sự quán VN tại nước sở tại để theo dõi, hỗ trợ người học khi họ gặp khó khăn. "Cung cấp học bổng, chi phí sinh hoạt đủ và đúng thời gian cho người học cũng cần thiết. Trong một số thời điểm, việc chuyển tiền cho người học bị chậm gây khó khăn trong sinh hoạt", PGS Anh ý kiến thêm.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)