TS Vũ Hồng Vận – trưởng khoa khoa học cơ bản Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM, nói hiện có nhiều giảng viên cảm thấy hài lòng với biệt danh sinh viên đặt cho mình là “tiến sĩ gây mê”.
TS Vũ Hồng Vận phát biểu tại hội thảo sáng 6-10 – Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ" do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức sáng 6-10 thu hút gần 50 chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học ở TP.HCM.
Giảng viên "ru ngủ" sinh viên
Theo ông Vận, trong khi chuẩn đầu ra của các trường đại học là kiến thức, kỹ năng, thái độ thì hiện nay gần như chưa có chuẩn để đánh giá các tiêu chí đó. Ngay cả việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thực tế giảng viên thích làm gì thì làm, dẫn đến mỗi thầy cô có phương pháp khác nhau.
Hiện nay, phương pháp giảng dạy của giảng viên các trường chủ yếu là thuyết trình, thầy truyền đạt những kiến thức của mình sang cho sinh viên, thầy đọc trò chép. Gần đây có những giảng viên soạn sẵn slide, trình chiếu cho sinh viên xem, nói và phân tích rất ít. Có những vấn đề giảng viên trình chiếu và thuyết giảng giống như trong tài liệu.
"Thậm chí có không ít giảng viên cho rằng dạy kỹ năng cho sinh viên là việc của người khác, việc của họ chỉ là truyền đạt kiến thức. Vì vậy, thực tế có những giảng viên ru ngủ sinh viên. Có nhiều giảng viên cảm thấy hài lòng với biệt danh sinh viên đặt cho mình là "tiến sĩ gây mê" – ông Vận nói.
Ông Vận cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Đổi mới phương pháp phải thay đổi quan điểm giảng viên đến lớp chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn hay phải làm việc khác nữa…
Tuy nhiên, ông Vận cũng thừa nhận: "Bản thân tôi là giảng viên đi dạy 16 năm, việc đầu tiên trước khi lên lớp dạy cũng coi xem đề thi sẽ thế nào. Tôi có đổi mới phương pháp thế nào đi chăng nữa cuối cùng tôi cũng quay về vấn đề thi.
Vì mục đích của sinh viên học là để thi lấy điểm. Tôi từng hỏi sinh viên "các em học để làm gì" thì câu trả lời là "chúng em học để lấy điểm".
Phải đổi mới giảng dạy ngoại ngữ ở đại học
Trong khi đó, TS Phạm Huy Cường – bộ môn ngoại ngữ Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho đội ngũ lao động là điều hết sức cần thiết.
Chương trình đào tạo tại các trường đại học tiếng Anh là một trong những môn chiếm nhiều thời lượng cao nhất trong phân phối các môn học. Tuy nhiên hiệu quả của việc đào tạo chưa cao, chưa đảm bảo chất lượng đầu ra cũng như chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ tiếng Anh của nhà tuyển dụng.
Để cải thiện hiệu quả đào tạo tiếng Anh ở bậc đại học, ông Cường khuyến nghị chương trình học tiếng Anh cần nhấn mạnh và tăng thời lượng thực hành giao tiếp và các nội dung thực sự hữu ích để sinh viên có thể vận dụng vào quá trình làm việc sau khi khi tốt nghiệp.
"Để làm được vậy, khi thiết kế chương trình cần tham khảo ý kiến nhà tuyển dụng, cựu sinh viên để có thể tích hợp được những nội dung thiết yếu cho từng chuyên ngành. Các nội dung đặc thù này có thể là một phần chính của giáo trình hoặc làm tài liệu bổ sung bên cạnh giáo trình" – ông Cường nói.
Tương tự, TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cần phải tiếp tục đổi mới giảng dạy ngoại ngữ không chuyên.
Theo đó, biện pháp chủ yếu là tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh theo đúng trình độ và yêu cầu của chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên và đổi mới giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy ngoại ngữ…
Đồng thời phải đổi mới, cập nhật, hiện đại hóa giáo trình và bài giảng ở tất cả các ngành học; lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước đối với một số ngành học.
Sử dụng giáo trình, chương trình đào tạo quốc tế
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết ĐH Kinh tế TP.HCM là trường đại học Việt Nam đầu tiên xây dựng và áp dụng chương trình tiên tiến quốc tế cho toàn bộ chương trình tiên tiến quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo đại trà.
Nhà trường tham khảo chương trình các trường đại học hàng đầu thế giới (chương trình các trường top 100 cho bậc thạc sĩ, top 200 cho bậc đại học) để xây dựng chương trình; giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng sử dụng giáo trình quốc tế.
Các giáo trình này được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1 và 2 của bậc đại học, năm thứ 3, 4 bậc đại học và toàn bộ bậc thạc sĩ sẽ sử dụng trực tiếp giáo trình gốc (tiếng Anh) do trường lựa chọn.
"Việc chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo đại trà trở thành chương trình tiên tiến quốc tế sẽ giúp cho sinh viên khi ra trường được thừa nhận trên thị trường lao động quốc tế và được liên thông tại các trường đại học nước ngoài.
Chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế của trường hiện đã được một số trường đại học của Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Australia, Ireland và New Zeland chấp nhận liên thông" – ông Nhựt cho biết thêm.
Bình luận (0)