Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều giáo sư Mỹ sẽ đến giảng dạy tại VN

Tạp Chí Giáo Dục

“Mở đường để có thêm nhiều giáo sư (GS) Hoa Kỳ đến giảng dạy ở các trường ĐH VN, tạo nên một mối quan hệ bền vững giữa các trường ĐH hai nước” – TS Võ Văn Tới , giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), đánh giá như vậy về chương trình “GS Hoa Kỳ giảng dạy tại VN” đang được VEF triển khai

> GS Hoa Kỳ sang Việt Nam giảng dạy được hỗ trợ 55.000 USD

TS Võ Văn Tới – giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF)

Trao đổi với chúng tôi, TS Võ Văn Tới cho biết:

– Chương trình bắt đầu được quỹ triển khai từ đầu năm nay và chúng tôi cùng với Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ đã tuyển chọn được bốn GS đầu tiên sẽ đến giảng dạy tại sáu trường ĐH của VN trong năm học 2008-2009. Các GS sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh các môn học trực tiếp hoặc giảng dạy từ xa qua cầu truyền hình cho các trường ĐH VN. Hiện VEF đang bắt đầu nhận đề xuất cho chương trình trao đổi học thuật “GS Hoa Kỳ giảng dạy tại VN” năm học 2009-2010.

 

Dự án được VEF thực hiện với ba mục tiêu. Một là đóng góp vào việc xây dựng năng lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại VN thông qua giảng dạy và nghiên cứu. Hai là hỗ trợ các trường ĐH VN khắc phục các khó khăn trong việc xây dựng chương trình giảng dạy, kết hợp với các cơ hội nghiên cứu… Ba là xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực giữa các trường ĐH Hoa Kỳ và VN cũng như giữa các GS của hai quốc gia với nhau. 

* Thưa TS, các GS Hoa Kỳ đến VN giảng dạy sẽ nhận được sự hỗ trợ gì từ VEF?

– VEF đóng vai trò là người tổ chức và là nhà tài trợ cho dự án này. Cùng với các trường ĐH VN mà các GS Hoa Kỳ sẽ tham gia giảng dạy, các trường ĐH phía Hoa Kỳ sẽ là nhà đồng tài trợ thông qua các hoạt động hỗ trợ của họ. VEF phối hợp với Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ xác định và tuyển chọn các GS Hoa Kỳ thông qua những đề xuất của họ.

Ứng viên phải gửi một bản đề xuất kế hoạch, chương trình giảng dạy tại trường ĐH VN đến VEF để xin tài trợ. VEF sẽ tài trợ một khoản tối đa là 55.000 USD cho mỗi đề xuất được chọn. Ngoài ra, trường ĐH VN mà GS đó tham gia giảng dạy có thể sẽ hỗ trợ một phần chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan cũng như tạo điều kiện giảng dạy cho GS Hoa Kỳ. Trường ĐH tại Hoa Kỳ cũng có thể hỗ trợ thêm về tài chính hoặc bằng các hình thức khác cho các GS tham gia chương trình này.

* Để được chọn lựa, ứng viên cần phải đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu như thế nào?

– Để tham gia chương trình này, ứng viên phải là công dân Hoa Kỳ, có chức danh GS hoặc GS danh dự về hưu (emeritus). Như tôi đã nói ở trên, ứng viên phải gửi tới VEF một bản đề xuất về chương trình giảng dạy tại một trường ĐH VN kéo dài từ một đến hai học kỳ (đối với chương trình cho năm học 2009-2010, sẽ bao gồm những hoạt động giảng dạy bắt đầu từ tháng 7-2009 và phải hoàn thành trước ngày 31-8-2010), sử dụng một trong hai hình thức giảng dạy: trực tiếp tại trường ĐH VN và giảng dạy từ Hoa Kỳ thông qua cầu truyền hình.

Các lĩnh vực được VEF xét cấp kinh phí tài trợ trong chương trình này bao gồm các ngành khoa học (tự nhiên, vật lý và môi trường), toán học, y dược, kỹ thuật và công nghệ (bao gồm công nghệ thông tin). Các môn học do GS Hoa Kỳ đảm nhận có thể ở bậc ĐH hoặc sau ĐH, tùy theo nhu cầu của trường ĐH VN và thỏa thuận giữa trường với GS Hoa Kỳ.

* Như vậy, ứng viên (GS Hoa Kỳ) phải có quan hệ với một hoặc nhiều trường ĐH ở VN, hai bên phải chủ động có kế hoạch hợp tác, xây dựng chương trình giảng dạy của GS đó trước khi nộp đơn đề xuất xin tài trợ từ VEF?

– Đúng vậy. Các GS Hoa Kỳ khi nộp đơn đề xuất phải có kế hoạch chi tiết chương trình giảng dạy ở VN, có thư từ trường VN đảm bảo các điều kiện giảng dạy, các hỗ trợ tài chính cụ thể và hình thức thanh toán từ phía trường VN. Đối với những GS Hoa Kỳ có nguyện vọng tham gia giảng dạy ở VN nhưng không thể liên hệ trực tiếp, VEF có thể giới thiệu, cung cấp thông tin liên lạc cụ thể để GS xây dựng kế hoạch giảng dạy chi tiết và đề xuất với VEF.

Tóm lại, hai bên – GS Hoa Kỳ và trường ĐH VN – phải chủ động thiết lập quan hệ và có kế hoạch, mục tiêu hợp tác trước.

* Được biết ngay từ lần đầu tiên chương trình xét chọn cho năm học 2008-2009, đã có hơn 100 đề xuất từ các GS Hoa Kỳ và các trường ĐH VN nhưng chỉ bốn người được lựa chọn. Vì sao đối với một chương trình có nhu cầu lớn và nhận được hưởng ứng rộng rãi từ cả hai phía, VEF lại cấp số lượng học bổng tài trợ giới hạn như vậy?

– Đây là một trong các chương trình của VEF. Với khoản kinh phí hoạt động hằng năm là 5 triệu USD, ưu tiên hàng đầu của VEF vẫn là cấp học bổng cho nghiên cứu sinh VN đi đào tạo tại các trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn thực hiện hiệu quả chương trình “GS Hoa Kỳ giảng dạy tại VN” để hỗ trợ các trường ĐH VN khắc phục những vấn đề cụ thể trong giảng dạy. Hiệu quả của chương trình sẽ không chỉ phụ thuộc số lượng GS được nhận tài trợ mà quan trọng hơn, chương trình sẽ tạo ra một mô hình hợp tác tốt.

* Xin cảm ơn TS.

THANH HÀ thực hiện

Theo TTO

Bình luận (0)