Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà đầu tư chỉ có lợi, bởi đây là tỉnh có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển bền vững…
Dẫn chứng cho khẳng định trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đến 52 cảng biển, trong đó 24 cảng biển đã đi vào hoạt động, đây là tiềm năng rất lớn.
Hội đủ điều kiện phát triển
"Không chỉ có cảng biển mà BR-VT còn rất gần Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Đây là bàn đạp để thu hút đầu tư trong tương lai của địa phương" – Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định. Vì vậy, để đi trước một bước nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, tỉnh BR-VT cần điều chỉnh các KCN xung quanh sân bay Long Thành để thu hút đầu tư công nghệ cao, chất lượng cao. Ngoài ra, địa phương cũng cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, chú ý đến hạ tầng đô thị, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và phát huy hơn tiềm năng trong lĩnh vực du lịch.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể còn đánh giá tiềm năng của khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải là rất lớn, nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư vào. "Việc BR-VT cần làm là điều chỉnh quy hoạch hình thành một số trục quan trọng kết nối vào mạng lưới giao thông quốc gia, vào cảng và những hạ tầng có sẵn để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể góp ý. Ông cho rằng khi lựa chọn được nhà đầu tư tốt và với "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì BR-VT sẽ trở thành đô thị chất lượng cao. Còn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng dư địa cho BR-VT phát triển rất nhiều và trong tương lai sẽ càng phát triển hơn nữa.
Các doanh nghiệp cảng biển chụp ảnh lưu niệm trong sự kiện "siêu tàu" container Margrethe Maersk cập cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải
Những nhận định trên của các lãnh đạo bộ cũng trùng khớp với thực tế thu hút đầu tư của địa phương. Báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT cho thấy năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư vào các KCN nhưng đến nay đã có 44 dự án đầu tư được cấp phép với tổng số vốn gần 1 tỉ USD, trong đó có 32 dự án trong nước và 12 dự án FDI. Kết quả này thể hiện dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nên dòng vốn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn tăng mạnh. Tính đến hết tháng 10-2021, toàn tỉnh có 503 dự án đầu tư trong các KCN còn hiệu lực, đạt tỉ lệ lấp đầy là 65,7% trong tổng số 13 KCN đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng. Hầu hết các dự án có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp…
Nói về lý do chọn tỉnh BR-VT, nhiều doanh nghiệp cho rằng ngoài những tiềm năng, lợi thế sẵn có thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh BR-VT luôn được đánh giá và xếp hạng cao. Hơn cả, tỉnh BR-VT là địa phương luôn chủ động tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư tại tỉnh.
Cơ hội để đẩy nhanh hàng loạt dự án
Theo UBND tỉnh BR-VT, sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của trung ương vào ngày 18-12 vừa qua, UBND tỉnh đang tổng hợp các ý kiến đóng góp, chỉ đạo của Thủ tướng và sẽ sớm có văn bản xin ý kiến để đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án quan trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Thọ cho biết quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó cảng biển BR-VT thuộc nhóm cảng biển đặc biệt, với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu trong khu vực và thế giới do thiếu các yếu tố như các cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông. Vì vậy, tỉnh BR-VT kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành ủng hộ và chấp thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Đây là dự án có tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỉ đồng trên diện tích 1.763 ha, trong đó có 936 ha đất rừng. Với dự án này, Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo tỉnh BR-VT tập trung chỉ đạo những vấn đề gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì xin ý kiến Chính phủ, những gì thuộc thẩm quyền Quốc hội thì cố gắng trình trong kỳ họp tháng 6-2022.
Với các dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì, điều phối triển khai thực hiện theo kế hoạch. Riêng dự án đường Vành đai 4, trong tháng 1-2022, Bộ GTVT và các tỉnh sẽ cùng ngồi lại để bàn, đưa ra lộ trình, cách làm, huy động nguồn lực để đầu tư. Về quy hoạch tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của tỉnh BR-VT là triển khai công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện đầu tư giai đoạn 2025-2030. Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai, có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thu hút đầu tư.
Về cơ chế cảng mở tại Cái Mép – Thị Vải, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT chủ trì cùng với tỉnh thực hiện, cố gắng trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 6-2022. Đối với việc thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, Thủ tướng đồng tình với đề xuất của tỉnh, yêu cầu tỉnh triển khai quyết liệt thực hiện việc xây dựng trụ sở. Bộ Tài chính sẽ điều phối nguồn nhân lực, trong quý I/2022 hoàn thành mọi việc.
Tập trung phát triển logistics
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, rất nhiều đối tác Anh, Pháp, Nhật quan tâm đặc biệt đến trung tâm logistics, trong đó có BR-VT. Vì vậy, BR-VT phải phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tập trung vào dịch vụ logistics.
"Muốn phát triển logistics thì cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, BR-VT cần phát triển theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến chế tạo. Đồng thời, phải phát triển công nghiệp giải trí như du lịch gắn với văn hóa vì đây là trụ cột quan trọng mà BR-VT đang có tiềm năng" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
|
NGỌC GIANG (theo NLĐ)
Bình luận (0)