Tôi từng chứng kiến những hình phạt thiếu tình thương mà thầy cô từ mẫu giáo đến trung học dành cho con trai tôi, dành cho các bạn cùng lớp với cháu. Con tôi khá hiếu động. Đó là lẽ thường tình. Hiếu động khi ở nhà thì được, có cha mẹ đôi khi uốn nắn nhưng hiếu động trong lớp thì bị cô giáo phạt bằng nhiều hình thức rất thiếu tính sư phạm. Đó là bắt cháu đứng một mình trong một phòng học trống, thiếu ánh sáng. Lớp học gần bờ mương, gần vườn nhà dân nên muỗi chích cũng phải đứng im, không dám gãi! Mỗi chiều đi đón con, cháu chạy một mạch từ lớp ra rồi sà vào lòng mẹ khóc thút thít. Về nhà gặng hỏi mãi thì cháu cho biết bị cô phạt, nhốt vào phòng tối. Từ đó cháu sợ cả cô, sợ cả việc đi học dù cháu cũng rất thích chơi với bạn bè.
Lên tiểu học, cháu vẫn hiếu động. Trong giờ học, cháu đôi lúc quay qua quay lại hỏi mượn bạn, khi thì cây thước, khi thì bút chì… Vậy mà thầy chủ nhiệm cho rằng cháu không thực hiện tốt nội quy và phạt bằng cách cho ngồi một mình một bàn ngay đầu lớp. Hậu quả là cháu thấy mình căng thẳng vì cảm thấy đơn độc, lẻ loi; bị bỏ rơi vì không còn ai trong lớp chơi với mình. Lý do, thầy chủ nhiệm cấm các bạn trong tổ, trong lớp chơi với những bạn vi phạm nội quy, nếu chơi chung sẽ bị phạt. Thiệt tình là tôi không hiểu thầy cô dạy bằng tình thương hay dạy bằng hình phạt? Một khi còn hẹp hòi, còn có cái nhìn định kiến, thiên lệch với học sinh thì chưa thể nói có tình thương để dạy, để cảm hóa học trò…
Giờ cháu đã lớn, đã đi làm nhưng nhắc lại quãng ngày đi học, cháu luôn nhớ tới những hình phạt hơn là nhớ tới các kỷ niệm đẹp của một thời thơ ấu; bởi vì nó quá ám ảnh!
Phải chăng, các hình phạt học sinh, dù xâm phạm tới thân thể, tới tinh thần đều không thể chấp nhận. Điều đó chỉ làm sâu thêm hố ngăn cách giữa thầy và trò; có khi còn dẫn tới những hành động thiếu kiềm chế của phụ huynh thì người thầy tự xem lại mình trước, sau đó mới trách người khác!
Lam Hồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)