Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều hoạt động chuẩn bị năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sửa sang, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng như chuẩn bị các hoạt động chào đón học sinh đầu cấp để trẻ tự tin đến lớp đang được nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM tập trung thực hiện.

Phụ huynh tranh thủ dẫn con vào Trường Tiểu học Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) làm quen môi trường học mới

Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Những ngày này, Ban Giám hiệu Trường THCS Lý Phong (Q.5) đang hoàn thiện việc đầu tư phòng thao giảng và phòng vi tính 45 máy, tất cả đều kết nối wi-fi. Như vậy năm học mới này, học sinh và giáo viên toàn trường có thể tham gia lớp học trực tuyến. Cô Trần Thị Thu Ngân (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Thông qua phòng trực tuyến, giáo viên có thể ứng dụng để thao giảng các môn, qua đó học sinh sẽ được học nhiều tiết học sống động, hiệu quả nhờ vào công nghệ. Riêng phòng máy tính sẽ hỗ trợ việc nâng chất lượng giảng dạy môn tin học trong nhà trường hơn nữa. Việc nhà trường quyết tâm đầu tư hai phòng máy lần này không chỉ góp phần hoàn thiện dần cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng dạy học mà còn đáp ứng xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”.

Tại Trường Tiểu học Trần Khánh Dư (Q.1), thời gian này nhà trường tập trung sửa chữa toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh nhằm mang đến khu vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ để học sinh cảm thấy môi trường thân thiện và sử dụng một cách thoải mái. Dự kiến công trình này sẽ xong trước ngày 15-8 để các em tựu trường có nhà vệ sinh sử dụng. Và trước khi sử dụng, giáo viên sẽ hướng dẫn các em cách dùng đúng cũng như ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), đầu năm học này thư viện được “làm mới” bằng hàng ngàn cuốn sách khoa học, lịch sử, tài liệu giảng dạy, truyện đọc… với kinh phí hơn 10 triệu đồng. Hiện tại thư viện trường có hơn 10 ngàn cuốn các loại đáp ứng tối đa nhu cầu đọc, nghiên cứu của giáo viên và học sinh trong trường.

“Hoạt động làm quen trước khi vào học chính thức là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả đòi hỏi hoạt động phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý trẻ, tránh máy móc, qua loa…”, cô Nguyễn Thị Lệ (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) nói.

Cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng nhà trường) cho rằng bổ sung thêm sách, truyện tài liệu… là việc làm thiết thực mà mỗi trường nên làm trong mỗi đầu năm học mới. Bởi không chỉ phục vụ hiệu quả nhu cầu đọc, nghiên cứu cho giáo viên và học sinh mà còn thu hút đông đảo học sinh thường xuyên đến thư viện nhằm nâng cao văn hóa đọc cho các em.

Tổ chức hoạt động làm quen trường mới

Song song công tác sửa sang, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thời điểm này hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố còn chú trọng tổ chức hoạt động làm quen trường lớp mới để trẻ vào lớp 1 cảm thấy mạnh dạn, tự tin. Hoạt động này khá đa dạng, từ tham quan trường lớp đến sinh hoạt văn nghệ, giao lưu… một cách thân thiện, an toàn.

Đều đặn các năm, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi dành ra một tuần trước ngày tựu trường để phụ huynh dẫn trẻ đến làm quen trường mới. Tại đây, trẻ được sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, tập cách ổn định chỗ ngồi, cách giơ tay phát biểu… Khi đã quen, phụ huynh có thể giao trẻ lại cho giáo viên trông nom, hướng dẫn. Cô Phạm Thúy Hà cho biết với một tuần giao lưu, nhiều trẻ nhút nhát, không chịu xa ba mẹ, thường xuyên mè nheo dần dà mạnh dạn, hòa đồng với bạn bè.

Tương tự, Trường Tiểu học Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) cũng có cách làm vô cùng hiệu quả. Vài năm trở lại đây, các ngày hè cổng trường thường xuyên mở để phụ huynh dẫn trẻ vào tham quan khuôn viên, phòng học cũng như nội quy trường mới. Do trường nằm gần hai trường mầm non nên mỗi ngày có khá nhiều trẻ được phụ huynh dẫn vào. Sân trường rộng rãi, thoáng mát, trẻ có thêm cơ hội vui chơi, làm quen bạn mới.

Cô Nguyễn Thị Lệ (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Do chúng tôi thường xuyên mở cổng trường cho trẻ vào chơi nên tình trạng trẻ mè nheo, không chịu rời vòng tay ba mẹ đã không còn, trái lại các bé rất vui tươi, tự tin, mạnh dạn. Kết quả này giúp phụ huynh yên tâm giao con cho giáo viên và không còn tình trạng nán lại trường trong những ngày đầu. Bản thân giáo viên cũng phần nào giảm bớt áp lực, khó khăn”.

Theo cô Lệ, ở bậc mầm non, trẻ đang quen với môi trường được chăm sóc, nuôi dưỡng và hoạt động vui chơi một cách tự do. Bước vào tiểu học, môi trường đòi hỏi các bé phải theo nề nếp, quy tắc và tự chăm sóc bản thân nên khó tránh được bỡ ngỡ. Chính vì thế, hoạt động làm quen trước khi vào học chính thức là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả đòi hỏi hoạt động phải phù hợp với điều kiện nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý trẻ, gắn với thực tế tại đơn vị, tránh máy móc, qua loa hoặc nặng hình thức.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Bình luận (0)