Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều học sinh ở TPHCM bất ngờ vì phải học xa nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, TPHCM tiếp tục áp dụng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) theo cư trú thực tế để tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6. Tưởng thuận tiện nhưng nhiều phụ huynh rối bời vì con được phân vào các trường xa nhà, gây bất tiện trong việc học tập, đưa đón…

Nhà ở phường Tân Thới Hiệp (quận 12), cách Trường THCS Nguyễn Hiền chỉ 500m và Trường THCS Nguyễn Huệ chỉ 1 km, nhưng con anh T. phải nhập học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn An Ninh, cách nhà tới 6,5 km. Nhận được kết quả tuyển sinh của con, anh T. chưng hửng vì không nghĩ con lại được phân học ở trường cách nhà xa đến thế.

Dù không muốn nhưng phụ huynh này buộc phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống cho con. Nếu không xác nhận nhập học, đồng nghĩa con anh T. từ chối kết quả tuyển sinh ở đợt 1, tiếp tục tham gia xét tuyển đợt 2 và cơ hội trúng tuyển vào trường gần nhà càng mong manh, bởi đợt này chỉ xét tuyển vào những trường còn chỉ tiêu tuyển sinh sau đợt 1.

Nhiều học sinh ở TPHCM bất ngờ vì phải học xa nhà ảnh 1

Phụ huynh bối rối khi xác nhận nhập học cho con trên trang tuyển sinh đầu cấp. Ảnh: Nhàn Lê

“Tôi chỉ có hộ khẩu tạm trú ở phường Tân Thới Hiệp nên địa phương ưu tiên các cháu có hộ khẩu thường trú được học trường gần nhà hơn. Biết con học xa nhà sẽ bất tiện nhưng tôi phải chấp nhận. Đầu năm học tới, hai vợ chồng phải sắp xếp công việc để đưa đón và đánh thức cháu dậy sớm hơn để đến trường đúng giờ”, anh T. chia sẻ.

Không chỉ ở quận 12, tại quận Tân Phú, nhiều học sinh phường Phú Thọ Hòa lại được phân sang học một trường THCS ở phường Phú Thạnh. Ngược lại, nhiều học sinh ở phường Phú Thạnh lại được phân về trường trên địa bàn phường Phú Thọ Hòa.

Tương tự, tại quận Gò Vấp, nhiều phụ huynh tá hỏa khi con bị phân vào học ở trường xa nhà. Một phụ huynh phản ánh nơi ở hiện tại của gia đình chị ở phường 11 nhưng con chị được phân tuyến vào một trường tiểu học ở phường 8.

Rất may, sau khi phản hồi tới người phụ trách tuyển sinh của địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Gò Vấp thông báo đến phụ huynh sẽ rà soát và cập nhật kết quả phân tuyến trên hệ thống. Hiện một số trường hợp học sinh tại quận này đã được cập nhật kết quả phân tuyến mới phù hợp, những trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, thành phố không thí điểm triển khai bản đồ GIS tại một số quận, huyện mà áp dụng chung cho toàn thành phố trong năm học này.

Xếp theo thứ tự ưu tiên

Giải thích về việc phân tuyến vào các lớp đầu cấp, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, chủ trương phân bổ chỗ học theo GIS của TPHCM năm học này có hai ưu tiên.

Đợt 1 sẽ ưu tiên học sinh gần nhà, đợt 2 ưu tiên đối tượng đã học tại địa phương đó. Hệ thống GIS sẽ tự động quét từ trường đến các vị trí gần nhà học sinh. Khi bán kính xung quanh trường ưu tiên 1 đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, GIS sẽ tự động xếp sang ưu tiên 2.

“Do đó, không phải nhà học sinh gần trường nào nhất thì học sinh có thể được học tại trường đó. Giả sử một trường chỉ có khả năng tiếp nhận 300 học sinh nhưng có tới 350 học sinh trong khu vực thì sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đến khi đủ chỉ tiêu. Những học sinh còn lại sẽ trúng tuyển theo trường ưu tiên 2”, ông Minh nói.

Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM thông tin thêm, với trường hợp được phân bổ vào trường không phù hợp, phụ huynh cần liên hệ với phòng GD&ĐT quận, huyện để được giải quyết điều chỉnh cho phù hợp. Sau khi có kết quả phân tuyến đợt 1, phụ huynh không đồng ý cho con học có thể không xác nhận nhập học để chờ tuyển sinh đợt 2.

Tuy vậy, phụ huynh phải cân nhắc vì khi không nộp hồ sơ đợt 1 thì không quay lại được trường đó nữa. Tuyển sinh đợt 2 cũng “căng” hơn đợt 1 vì còn ít chỉ tiêu hơn.

“Dù thuộc đối tượng nào thì ngành giáo dục cũng đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, không kể thường trú hay tạm trú. Tuy vậy, xét theo thứ tự ưu tiên thì một số học sinh có thể sẽ phải đi học xa hơn một chút”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Nhàn Lê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)