Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều học sinh Trường THPT An Nghĩa bị ngất: Phụ huynh, học sinh không nên hoang mang

Tạp Chí Giáo Dục

Những HS từng bị ngất xỉu đang được thăm hỏi sức khỏe
Thời gian qua, tại Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ, TP.HCM có nhiều nữ sinh bị ngất. Hiện tượng này không chỉ xảy ra một vài lần mà xuất hiện liên tiếp trong hơn một tháng với cả trăm lượt nữ sinh bị ngất xỉu. Điều này đã gây không ít hoang mang cho học sinh (HS), phụ huynh và làm xáo trộn hoạt động dạy – học của nhà trường. Vậy đâu là nguyên nhân?
Trường nghèo, nhiều HS suy dinh dưỡng
Trường THPT An Nghĩa là một trong 3 trường THPT của huyện Cần Giờ. Trường mới được xây dựng và đưa vào sử dụng vài năm nay. Hiện trường tiếp nhận HS của các xã An Đông, An Nghĩa, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp. Đây là những xã nghèo của huyện Cần Giờ, do vậy trong số trên 1.000 HS của trường thì có tới gần 600 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Bằng chứng của sự nghèo khó này là trung bình mỗi năm, có khoảng 50-60 HS bỏ học đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phụ huynh của HS Trường THPT An Nghĩa phần lớn là làm công nhân ở khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; làm thuê làm mướn; một số làm muối… Vì vậy, phụ huynh ít có điều kiện chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, nhiều em nhà quá xa trường nên phải thuê phòng trọ gần trường. Mới 15, 16 tuổi nhưng các em phải tự đi chợ nấu ăn, bữa ăn thường không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
Xung quanh hiện tượng này, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập một đoàn khảo sát xuống trường tìm hiểu sự việc. Về vấn đề dinh dưỡng, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: Khảo sát ban đầu của Trung tâm Dinh dưỡng TP đối với 88 HS bị ngất, ghi nhận 44 em có chỉ số BMI thấp hơn trung bình, dưới 18,5 (theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu BMI dưới 18,5 là thiếu cân, thiếu năng lượng trường diễn – PV). Trong 88 HS này có khoảng 10 em, từ trước tới nay không có thói quen ăn sáng. Về nhu cầu calo, trung bình mỗi ngày các em được cung cấp khoảng 1.900 calo, trong khi đó khuyến nghị của Bộ Y tế là từ 2.000-2.200 calo/ngày. Tuy nhiên, “Yếu tố dinh dưỡng không phải là nguyên nhân chính khiến các em bị ngất xỉu hàng loạt”, BS. Diệp khẳng định.
Ngày 15-11, BS. Nguyễn Hoài Nam – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Kết luận của đoàn khảo sát của Sở Y tế gồm Sở Y tế, Bệnh viện Tâm thần TP, Trung tâm Dinh dưỡng TP… cho thấy, các em HS của Trường THPT An Nghĩa bị ngất hàng loạt là do hội chứng rối loạn phân ly tập thể”.
Không có gì phải ầm ĩ
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW II thì: Rối loạn phân ly (trước đây được còn được gọi là hội chứng Hysteria) là một bệnh có căn nguyên tâm lý. Bệnh thường xảy ra ở những người có loại hình thần kinh yếu và thần kinh nghệ sĩ. Đặc trưng của bệnh là thiên về cảm xúc, quá nhạy cảm, buồn vui nhanh chóng, có tính chất phô trương, biểu diễn. Khi mắc chứng bệnh này, người bệnh có xu hướng tăng tính ám thị (bị tác động bởi những ý chí, lời nói của người khác một cách không phê phán) và tính tự ám thị (nghĩa là người bệnh nghĩ bản thân bị bệnh gì thì mắc bệnh đó). Triệu chứng của bệnh rối loạn phân ly rất phong phú, có thể bắt chước tất cả các loại bệnh…
“Bệnh rối loạn phân ly là một bệnh đại giả vờ. Ví dụ, thấy người khác bị liệt, người mắc bệnh rối loạn phân ly cũng tự cho rằng bản thân mình bị liệt. Và họ có tất cả các biểu hiện của người bị liệt. Tuy nhiên, về khoa học thì họ không bị bệnh. Bệnh rối loạn phân ly là như vậy chứ không phải người bệnh muốn vậy”, BS. Thọ nhấn mạnh.
Ở môi trường tập thể, bệnh có sự lây lan nhanh – lây lan theo cơ chế ám thị.
“Trong môi trường tập thể như trường học, xí nghiệp… do bị căng thẳng về học tập hay công việc, một người (nhân tố hạt nhân) bị ngất để chống lại áp lực thì sẽ lây truyền cho những người khác. Những người bị ngất theo thường là những người có thần kinh yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh thường xảy ra với nữ, chủ yếu ở lứa tuổi mới lớn”, BS. Thọ cho biết thêm.
Để chấm dứt tình trạng HS ngất xỉu hàng loạt ở Trường THPT An Nghĩa, BS. Thọ khuyến cáo: “Cần có một đội ngũ bác sĩ chuyên về tâm thần tư vấn, khám bệnh cho những HS bị ngất; tuyên truyền để phụ huynh, giáo viên và HS khác hiểu về bệnh này. Gia đình và nhà trường không nên hoang mang, sợ hãi, lo lắng cho những HS bị ngất một cách thái quá. Vì sự lo lắng thái quá chỉ có tác dụng ngược, càng khiến cho hiện tượng ngất xỉu hàng loạt tiếp diễn…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Để đảm bảo sức khỏe, mỗi ngày các em HS phải ăn đủ 3 bữa, tuyệt đối không bỏ bữa ăn sáng. Bữa sáng, các em có thể ăn xôi, bánh mì, hủ tiếu, phở, bún… Thậm chí những em có hoàn cảnh khó khăn có thể chiên cơm nguội để ăn. Trong mỗi bữa ăn nên có nhiều loại thực phẩm như trứng, cá, thịt, rau củ quả. Ở Cần Giờ có nhiều hải sản, HS cần tiếp cận những nguồn thực phẩm này. Riêng đối với nữ sinh cấp 3, các em cần được bổ sung viên sắt bằng cách uống viên sắt mỗi tuần/1 viên, trong thời gian 16 tuần. Theo Chương trình phòng chống thiếu máu, Trung tâm Dinh dưỡng TP đã cấp miễn phí cho các trường cấp 3 để phát cho HS nữ”.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)