Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều hướng mở từ lúa lai KC06

Tạp Chí Giáo Dục

Lúa lai là biện pháp kỹ thuật giúp vượt trần năng suất lúa thuần, làm tăng sản lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế của người trồng lúa. Điều này đã được khẳng định tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Indonesia và các tỉnh phía Bắc. Nhưng ở ĐBSCL do chưa có giống thời gian sinh trưởng thích hợp, kháng rầy nâu, kháng đạo ôn và nhất là chất lượng gạo chưa đạt chuẩn (hạt dài, ít bạc bụng) để xuất khẩu, nên lúa lai mới hiện diện với diện tích nhỏ vùng đất nhiễm mặn lúa-tôm.

Kỷ lục về năng suất

Đề tài KC06.24/11-15 về “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 3 dòng năng suất cao, thơm, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại ĐBSCL” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đặt hàng từ lâu nhưng với yêu cầu cao và thời gian ngắn (3 năm) nên khó có đơn vị nào đáp ứng. Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) trước đó cũng đã âm thầm nghiên cứu theo hướng này và đã lai tạo được 5 giống lúa lai thơm chất lượng tốt, năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt trong thí nghiệm đã nhận thực hiện. Vụ đông xuân vừa rồi, SSC khảo nghiệm các giống lúa lai này trên diện tích lớn ở nhiều điểm trong điều kiện sản xuất và thử nghiệm quy trình thâm canh.

Mô hình thâm canh các giống lúa lai thơm KC06 (đặt tên theo đề tài khoa học) tại 5 điểm trên 50ha vùng ĐBSCL năng suất bình quân 9-10 tấn/ha ở vùng phù sa ngọt (tỉnh Long An, Vĩnh Long, Bạc Liêu) và 7-9 tấn/ha trên đất phèn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), cao hơn lúa thuần tốt nhất của địa phương từ 32%-84% (năng suất gặt mẫu). Với năng suất này đáp ứng yêu cầu về năng suất như đề tài của Bộ KH-CN từ 8-9 tấn/ha. Điều ghi nhận, những hộ nông dân chịu khó thâm canh và tuân thủ các quy trình của cán bộ kỹ thuật SSC nên năng suất trên 12 tấn/ha. Đáng nói hơn, trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới cầu vượt cung, những giống mới chưa được biết trên thị trường, diện tích nhỏ nên sản lượng ít nhưng nhờ mẫu mã gạo đẹp, cơm thơm ngon nên toàn bộ lượng lúa thu hoạch của các mô hình đều được thương lái mua với giá tương đương với OM5451 và cao hơn IR50404 từ 200-400 đồng/kg lúa tươi. Trong đó, 2 giống KC06-1 và KC06-2 với tiềm năng năng suất trên 12 tấn/ha, hạt gạo thon dài (7mm), không bạc bụng, đạt chất lượng xuất khẩu, cơm thơm và dẻo, vị đậm ngon, kháng bệnh đạo ôn tốt, không cần phun xịt trong khi giống đối chứng (OM4900 và IR50404) phải xịt 3-4 lần/vụ.

Các giống lúa lai thơm có dạng hình hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chất lượng cơm tốt hơn hai giống đối chứng và được xếp thứ tự từ cao đến thấp như sau: KC06-1, KC06-2, KC06-3, KC06-5, KC06-4. Năng suất gặt mẫu cao nhất trên toàn bộ các mô hình là 12,87 tấn/ha với giống KC06-2 của hộ Trần Văn Phương và 12,83 tấn/ha giống KC06-5 của hộ Nguyễn Văn Huỳnh, cao hơn giống đối chứng 5-6 tấn/ha, tương đương 65%-109%, được Trung tâm Khảo nghiệm giống và sản phẩm cây trồng phía Nam, Chi cục Bảo vệ thực vật Bạc Liêu và chính quyền xã xác nhận. Có thể nói đây là năng suất cao kỷ lục từ trước đến nay ở ĐBSCL. Năng suất lúa lai KC06 đều cao hơn giống đối chứng IR 50404, OM 4900, kể cả giống Hana xuất khẩu qua Nhật Bản trồng tại vùng đất nhiễm phèn nặng ở Hòn Đất, Kiên Giang từ 32% – 84%.

Cánh đồng lúa lai KC06-1 tại ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trước khi thu hoạch.

Chỉ cần trồng 2 vụ/năm

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long Dương Ái Đạo cho rằng, giống lúa lai KC06 tỏ ra phù hợp với đất, thời tiết và kháng 2 bệnh phổ biến (đạo ôn, rầy nâu) ở vùng đất này thể hiện qua năng suất, chất lượng cao hơn các giống đối chứng và hiệu quả kinh tế nhờ chi phí thấp về thuốc bảo vệ thực vật khi không phun thuốc trị bệnh đạo ôn (giống đối chứng phải xịt 3-4 lần), riêng rầy nâu chỉ xịt 1 lần để cắt vòng đời sinh trưởng thay vì cũng 3-4 lần. Với việc giống lúa mới đã được thương lái chấp nhận và mua cao hơn giống IR50404 và ngang với giống OM5451 cho thấy tiềm năng tốt của bộ giống này. Theo anh Nguyễn Văn Ngọc, xã Hiếu Thuận, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, 3 điều mà bà con nông dân quan tâm là năng suất, chất lượng và đầu ra, trong đó, 2 điều đầu tiên bộ giống này đã giải quyết “rất đẹp”, nếu làm tốt đầu ra nữa thì với năng suất cao vượt trội và chất lượng tốt hơn, giá bán cao hơn chỉ cần trồng 2 vụ lúa/năm, thu nhập của bà con còn cao hơn nếu trồng 3 vụ/năm với giống lúa thuần như bao lâu nay. Điều bà con cần là hỗ trợ kỹ thuật để có thể đạt năng suất ở ngưỡng cao nhất.

Theo thạc sĩ Dương Thành Tài, Chủ nhiệm đề tài KC06, Phó Tổng Giám đốc SSC, vì là đề tài khoa học, bộ giống này còn phải được xem xét và thẩm định của hội đồng khoa học trước khi được công nhận và đưa vào sản xuất diện rộng. Để có được kết quả hôm nay là công lao 10 năm mà đội ngũ kỹ thuật SSC miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, lai tạo và trồng thí nghiệm ở nhiều nơi trước khi mang ra trồng khảo nghiệm diện tích lớn hơn tại các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang… KC06 không chỉ là bước đột phá về trần năng suất lúa ở ĐBSCL mà còn chứng minh tính ưu việt của lúa lai so với lúa thuần về năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh có thể trồng đại trà lúa lai ở ĐBSCL. Với kết quả đạt được này, bộ giống lúa lai KC06 mở ra nhiều khả năng cho vùng ĐBSCL như chỉ cần làm 2 vụ/năm thay vì 3 vụ/năm khi giá lúa gạo và thị trường bấp bênh như hiện nay thu nhập của bà con vẫn không thay đổi, bà con có thể làm thêm việc khác, cũng như tạo điều kiện cho đất có thời gian nghỉ ngơi, giúp cắt chu kỳ sinh trưởng của dịch bệnh, đặc biệt là rầy nâu nếu trồng 3 vụ/năm làm cho dịch bệnh luôn hiện diện trên đồng ruộng thay vì trồng quanh năm làm cho đất dễ bị suy kiệt. Do giống này còn chờ được công nhận nên SSC chưa thể bán ra thị trường, nhưng bà con nông dân tại những mô hình trồng khảo nghiệm rất háo hức có giống này đề trồng cho các vụ tới.

PGS-TS Trần Duy Quý, Thư ký Ban chủ nhiệm Chương trình KC06, Văn phòng Ban chủ nhiệm chương trình Bộ KH-CN trước đó cho biết, đề tài này rất khó, đây là kết quả từ quá trình nghiên cứu lâu năm. 5 giống của SSC đưa ra khảo nghiệm đảm bảo đúng mục tiêu đề tài là năng suất cao, chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và chống chịu được một số sâu bệnh phổ biến. Hy vọng sẽ chọn ra được vài giống để có đưa vào sản xuất đại trà như các giống lúa thuần cho vùng ĐBSCL.

CÔNG PHIÊN

(SGGP)

Bình luận (0)