Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nhiều kênh giáo dục về ATGT

Tạp Chí Giáo Dục

“Mặc dù mới thử nghiệm bước ban đầu nhưng tôi thật sự tâm đắc và đánh giá cao chương trình vì đã có hiệu ứng lớn đến việc tuyên truyền và nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người dân”. Đó là ý kiến nhận định của ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó ban ATGT TP.HCM tại Lễ tổng kết chuyên đề Đi an toàn – Về hạnh phúc năm 2015 của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức. 

Các tài xế taxi rất thích nghe chuyên mục Tiêu điểm giao thôngẢnh: T.NAM

1.Ông Nguyễn Ngọc Tường đánh giá cao chất lượng chuyên đề Đi an toàn – Về hạnh phúc đã “làm mới” với các nội dung phong phú và đa dạng hơn. Để giúp bạn nghe đài có cái nhìn khái quát về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, chuyên mục Bản tin tổng hợp (BTTH) được xem là từng “lát cắt” ấn tượng về diễn biến giao thông “nóng sốt” trong ngày. Ngoài “sứ mạng” cập nhật nhanh các quy định mới liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, các kế hoạch chương trình của Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT TP, BTTH còn thường xuyên đề cập tới việc phân luồng giao thông phục vụ công tác xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức các ngày lễ lớn của TP.HCM. Thông tin các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong ngày cũng được BTTH chuyển tải kịp thời đến thính giả gần xa. Theo ông Tường, các vụ tai nạn giao thông xảy ra chỉ có 30% là do nguyên nhân từ hạ tầng cơ sở, chất lượng phương tiện giao thông còn lại 70% là do ý thức của người dân. Vì thế cần làm một “cuộc cách mạng” thật sự để làm thay đổi ý thức tham gia giao thông của con người. Ông Tường cho biết, tai nạn giao thông không chỉ làm thiệt hại về kinh tế mà còn thiệt hại lớn về tinh thần mà điều này không thể tính bằng tiền được nhất là mỗi khi chính ông đi thăm các nạn nhân bị di chứng do tai nạn giao thông. “Chỉ cần một va quẹt nhỏ cũng phải mất một tuần lao động để phục hồi. Tôi thật sự đau lòng vì có những gia đình mất đi một lao động chính, con cái nhỏ dại nhưng vẫn chưa khổ bằng những người bị thương tật nằm một chỗ, gia đình vừa mất đi lao động chính vừa phải thêm một gánh nặng vì không có người chăm lo” – ông Tường chia sẻ.    

2.Với hình thức kịch vui chỉ vài ba nhân vật, các tiểu phẩm vui về ATGT được phát đã đi vào đời sống người dân qua các câu chuyện liên quan đến trật tự ATGT như vượt đèn đỏ, chở hàng cồng kềnh, làm rạp cưới lấn đường xe chạy, “quên” đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ, leo lề đường, tống ba, taxi giành khách, xe buýt chưa lịch sự văn minh… Thông qua những tình huống có thật gần gũi mà nhẹ nhàng, các tiểu phẩm còn khéo léo lồng ghép vào đó nội dung và mức xử phạt theo quy định. Như mạch nước ngầm chảy từ bên trong, ý thức ATGT được người dân nâng cao qua các thể loại, hình thức phát sóng của nhà đài.

Ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tiết lộ, năm 2016 sẽ có thêm hệ thống camera đặt ở những điểm nóng để việc quan sát và quản lý ATGT được rộng khắp trên toàn TP. Chương trình của đài cũng sẽ được mở rộng qua các hình thức thi tiểu phẩm vui, kịch ngắn đặc biệt là dân ca để bất cứ thính giả của vùng miền nào cũng có thể tham gia được. Ông Đồng cũng mong muốn các chương trình về ATGT phải gắn kết với người thân của bác tài cũng như các bạn trẻ, nhất là đối tượng học sinh sinh viên tại các trường học.

Nguyễn Hoàng Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)