Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiêu khê đường đến bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 1: “Bằng đỏ” cũng trở nên vô nghĩa

Từ ngôi trường này rất nhiều giáo sinh ra trường không xin được nơi dạy…

Có một thực trạng không nói ai cũng biết, hàng trăm cử nhân tốt nghiệp mỗi năm phải tự “mày mò” tìm lối đi cho mình. Không ít cử nhân tốt nghiệp xong phải làm những việc trái ngành, trái nghề, tệ hơn thì đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, còn một số đành vác bằng về quê… làm ruộng hoặc đi biển. Đó là thực tế mà những cử nhân sư phạm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang phải tự tìm hướng đi cho mình.
Đầu vào nhộn nhịp đầu ra âm thầm
Hơn 10 năm trước, khi Nhà nước bắt đầu áp dụng chế độ miễn giảm học phí với sinh viên ngành sư phạm thì người người thi nhau học ngành này. Phải chăng đây là nguyên nhân dẫn đến ngành giáo dục “bội thực” nhân lực “ảo”, dẫn đến “khủng hoảng” thừa như hiện nay? Và cái hiện tượng nhiều sinh viên cầm được tấm bằng “đỏ” mà vẫn bị loại trong các đợt xét tuyển ngạch công chức là điều dễ hiểu. Bởi chỉ tiêu xét tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hồ sơ dự tuyển cao gấp chục lần. Ngày trước, bằng “đỏ” trở thành niềm “kiêu hãnh”, đầy tự hào của các cử nhân. Nay trong tình trạng thất nghiệp “khủng khiếp” này, bằng đỏ cũng trở nên vô nghĩa. Bạn Phạm Văn Khương, khoa địa, tốt nghiệp khóa 9 Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, cầm tấm bằng trong tay, trầy trật mãi mới xin được chân quản lý thiết bị trường học ở một trường THCS tại huyện Xuyên Mộc, đó là trường hợp rất may mắn và “hiếm”. Khi được hỏi về kế hoạch chuẩn bị ra trường của mình, bạn T.P. Hằng sinh viên năm cuối khoa văn – công tác Đội có vẻ lạc quan: “Em đang làm hồ sơ và đang đợi chỉ tiêu, nếu may mắn em sẽ được đi dạy”. “Còn nếu thất nghiệp?”. Hằng cười bẽn lẽn “em sẽ đi học tiếp…”, “Học gì?” “Dạ tiếng Anh”, Hằng đáp khẽ. So với các sinh viên khác thì Hằng có vẻ lạc quan hơn. Bởi Hằng học khá tiếng Anh và hiện tại cô đang theo học thêm tiếng Anh nâng cao. Hằng cho biết thêm: “Nếu không được đi dạy, em sẽ hành nghề bằng vốn tiếng Anh”. Nhưng khi tôi hỏi em: “Hiện nay con số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, đang không xin được việc và thất nghiệp rất nhiều, em nghĩ sao?” thì Hằng im lặng!
Các ngành “hot” xin việc còn trầy trật, huống chi sinh viên sư phạm, nhất là những sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường lo lắng, băn khoăn là điều dễ hiểu. Họ có chung một tâm trạng “không biết ra trường có được đi dạy hay không?”.
Đào tạo nhiều hơn nhu cầu
Thầy Phan Châu Phi – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Có tình trạng “thiếu và thừa giáo viên” hiện nay là do phân cấp quản lý còn chồng chéo lên nhau. Có những nơi thiếu GV của môn này môn kia, sở muốn can thiệp vào cũng không được! Như điều chuyển GV từ huyện này sang huyện khác chẳng hạn. Tất nhiên phải nhìn nhận vấn đề này ở một khía cạnh tích cực đó là: Phân cấp là tốt, nhưng trong quan hệ phối hợp để thực hiện phân cấp ấy còn nhiều điều phải bàn thêm. Vì dưới góc độ chuyên môn cần phải có điều chỉnh như thế nào để san sẻ đội ngũ GV, thì chỉ có sở, phòng GD-ĐT các huyện mới nắm được. Còn về mặt hành chính, quản lý nhà nước sở, phòng nội vụ không nắm hết được mà phải do chuyên ngành. Điều đó Sở GD-ĐT đã đề xuất nhưng chưa được sự chấp thuận của các huyện”.
Một thực tế rõ ràng về đào tạo sư phạm tại Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu là các ngành học chưa hợp lý. Cơ cấu ngành học lúc thừa lúc thiếu, không đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội là thực tế nhức nhối hiện nay. Đào tạo thì ồ ạt, trong khi lại thiếu một cơ chế làm rõ nét… Vì sao? Theo thầy Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hàng năm, trước mùa tuyển sinh, nhà trường không thể có được con số, chỉ tiêu cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh. Môn nào thừa, môn nào thiếu, chúng tôi chỉ có thể “theo dõi” qua các kỳ họp HĐND tỉnh và lên kế hoạch tuyển sinh cho mình. Do đó, có thể môn học này năm nay thiếu nhưng đến 3 năm sau khi các em ra trường thì mọi cái đã thay đổi”. Đây có thể là nguyên nhân chính, đang đẩy các cử nhân sư phạm vào tình trạng “sống dở chết dở”. Theo nhận xét của một số bạn sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, thì nhiều chương trình đào tạo của trường “quá cũ kỹ, lạc hậu. Đôi khi lý thuyết và thực hành cách nhau quá xa”. Một số ngành như: công nghệ thông tin trường không đủ trang thiết bị thực hành cho sinh viên, dẫn đến sự không đồng bộ với nhu cầu thực tế ở ngoài giảng đường. Tuy nhiên, cũng theo thầy Hồ Cảnh Hạnh: “Như thế nào mới gọi là giữa lý thuyết và thực hành cách nhau quá xa? Đây là môi trường đào tạo sư phạm, đào tạo ra thầy cô, chứ không phải là những nhà kinh tế hay khoa học. Chúng tôi tự hào với những gì mình đang có, từ cơ sở vật chất tới nguồn nhân lực, đủ để đào tạo ra những nhà giáo tương lai có đủ tri thức và nhân cách của người thầy”. Thầy Phan Trường Sơn, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: “Đúng là hiện nay, có một số lượng giáo sinh ra trường không được sử dụng. Đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Giáo sinh ngành sư phạm chỉ có nghiệp vụ sư phạm, bởi vậy nếu không được đi dạy họ sẽ rất khó để xin việc ở các ngành khác…”. Tuy nhiên, nguyên nhân tình trạng này có phải ở hai phía: đào tạo ồ ạt, không theo nhu cầu, chưa cung cấp đầy đủ cho sinh viên thông tin về tuyển dụng và nhu cầu thực tế của các đơn vị giáo dục. Về học sinh, sinh viên đa số khi họ đăng ký vào trường chủ yếu chạy theo “cảm tính” của bản thân và gia đình chứ không chú tâm đến khả năng xin việc sau này. Nhiều học sinh chỉ thích thi tuyển vào những môn “nóng” như toán, văn… kỹ thuật nhưng các môn này lại không có nhu cầu. Bạn Minh P. sinh viên năm 2, khoa văn chia sẻ: “Lúc trước bố mẹ khuyên em cứ thi vào sư phạm. Vì tin rằng có đào tạo ắt có sử dụng. Nào ngờ bây giờ thất nghiệp nhiều như thế này?”. Theo thầy Thông – Chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp của Sở: “Việc đào tạo không theo nhu cầu thị trường mà theo thị hiếu xã hội, không có sự điều tra hay quy hoạch cụ thể, chi tiết là hết sức nguy hiểm. Nó sẽ tạo ra sự bất cập giữa đào tạo và sử dụng, gây ra những hệ lụy cho vấn đề an sinh xã hội. Điều này không chỉ gây ra sự lãng phí tiền của của Nhà nước mà còn kìm hãm tài năng của người học cũng như các khả năng cống hiến cho xã hội của họ”.
Quang Huy – Trúc Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)