Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiêu khê thẻ tín dụng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không ai phủ nhận tiện ích của thẻ tín dụng khi đi nước ngoài nhưng phí giao dịch quá cao đang là rào cản cho việc giảm áp lực mua ngoại tệ tiền mặt.

Do ngoại tệ có giới hạn nên phần lớn các ngân hàng (NH) đang khuyến khích người du lịch, khám chữa bệnh, công tác, du học… ở nước ngoài dùng thẻ tín dụng quốc tế thay cho việc sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, việc dùng thẻ tín dụng quốc tế do các NH trong nước đang phát hành cũng khiến người sử dụng thẻ chịu nhiều thiệt thòi.

Thẻ tín dụng hiện rất phổ biến trong cuộc sống song vẫn còn nhiều rào cản đối với người sử dụng. Ảnh: HỒNG THÚY
Yêu cầu ngặt nghèo
Theo anh Tống Châu (ngụ  phường 10, quận Gò Vấp – TPHCM), người đã có một thời gian là cộng tác viên phát hành thẻ tín dụng cho NH Quốc Tế, do các loại thẻ tín dụng như Visa Card, Master Card… được xem là hình thức cho vay tín chấp (tiền trong thẻ là của NH) nên các NH đều yêu cầu người mở thẻ chứng minh thu nhập thường xuyên hằng tháng từ 10 triệu đồng trở lên, hợp đồng lao động không thời hạn, tiền lương chi trả qua thẻ ATM …
Vì thế,  không phải người nào cũng đáp ứng đủ điều kiện mở thẻ Visa, Master… Do đó, khi đi nước ngoài, người không đủ điều kiện phải thế chấp bằng VNĐ để được NH cấp thẻ tín dụng.
Phí quá cao
Hiện nay, khi dùng thẻ Visa, Master… để rút tiền mặt ở nước ngoài, chủ thẻ thường phải chịu hai loại phí và lãi suất. Đó là phí rút tiền từ 4% – 7%, phí chuyển đổi ngoại tệ 3% – 4% (tính ra lên tới 7%-11%); lãi suất thấp nhất 21%/năm (khoảng 0,06%/ngày) được tính ngay tại thời điểm rút tiền. Trường hợp chủ thẻ thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thì phí chuyển đổi ngoại tệ là 3% – 4%.
Riêng thẻ ghi nợ Visa Debit (tiền của chủ thẻ), khi sử dụng ở nước ngoài, chủ thẻ vẫn phải trả phí giao dịch. Nếu rút tiền mặt ở nước ngoài sẽ phải chịu phí rút tiền mặt và phí chuyển đổi ngoại tệ từ 7% – 11%, tính ra cao hơn rất nhiều so với việc mua USD trên thị trường tự do. Còn nếu dùng thẻ Visa Debit để thanh toán thì chủ thẻ chịu phí chuyển đổi ngoại tệ từ 3% – 4%. Đó là chưa kể chủ thẻ còn phải đóng phí thường niên 200.000 đồng – 300.000 đồng, phí thay đổi mã số tài khoản…
Nhiều ý kiến cho rằng: Do phí sử dụng thẻ tín dụng ở nước ngoài quá cao nên nhiều người ngần ngại mở thẻ tín dụng. Đây cũng phần nào lý giải vì sao người đi nước ngoài thường đề nghị NH bán số ngoại tệ tương đương 7.000 USD theo quy định của pháp luật.
Cần giảm phí để tránh “chảy máu” ngoại tệ
Để giảm áp lực bán ngoại tệ tiền mặt, kích thích người đi nước ngoài mở thẻ tín dụng, hiện chỉ có NH Xuất nhập khẩu Việt Nam giảm phí chuyển đổi ngoại tệ xuống 2,5%. Còn NH Đông Á vận động người đi nước ngoài ký quỹ VNĐ mở thẻ tín dụng ngắn hạn. Khi trở về Việt Nam, số tiền ký quỹ (nếu còn) sẽ được chuyển sang tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng. Sau đó, NH thu thập thông tin giao dịch (khoảng 30 ngày) từ nước ngoài rồi tiến hành thanh lý thẻ tín dụng.
Nhiều chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị các NH tính toán giảm phí chuyển đổi ngoại tệ xuống mức thấp hơn, đặc biệt là phí rút tiền mặt ở nước ngoài. Bởi tỉ giá giữa trong và ngoài NH hiện chỉ chênh nhau hơn 300 đồng/USD nên tình trạng chủ thẻ tranh thủ ra nước ngoài rút ngoại tệ để trục lợi như đã từng xảy ra sẽ không tái diễn…
Báo cáo “Dự báo thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam tới năm 2013” của Công ty Nghiên cứu thị trường Research and Markets (Mỹ) cho thấy thẻ tín dụng chiếm chưa đầy 1,5% thị phần thẻ thanh toán là cơ hội lớn cho các NH phát hành thẻ. Trước tiềm năng đó, một số chuyên gia về thẻ kiến nghị: Bên cạnh vấn đề giảm phí, NH Nhà nước cũng nên có biện pháp yêu cầu các NH thương mại ngăn chặn các giao dịch chuyển tiền bất thường ra nước ngoài từ thẻ tín dụng, chặn nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ.
Vẫn lén lút mua bán USD
Sau thời gian “án binh bất động” khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, những ngày gần đây, một số tiệm vàng đã lén lút mua bán USD trở lại.

Chiều 28-3, gọi điện thoại đến một tiệm vàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 – TPHCM, người viết bài này được chủ tiệm báo giá USD bán ra ở mức 21.250 đồng/USD. Một tiệm vàng khác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cho biết chỉ mua vào USD với giá 21.100 đồng…

Do lo ngại bị kiểm tra nên các tiệm vàng tỏ ra khá dè dặt, thận trọng khi giao dịch. Ngoài các phương thức như giao dịch tận nhà, qua điện thoại, người mua bán USD đôi khi chỉ báo giá 2 số đuôi.

Chẳng hạn, một điểm mua bán USD ở Hà Nội cho biết giao dịch USD hôm qua là 10-14 (tức giá mua vào là 21.100 đồng/USD và bán ra 21.140 đồng/USD).
C.Anh
Thy Thơ / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)