Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều lao động ngỡ ngàng vì… không được hỗ trợ thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chưa kịp mừng trước thông tin người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ do dịch Covid-19, nhiều người đã ngỡ ngàng khi nhận được câu trả lời từ cơ quan BHXH: không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách.

4 đối tượng chưa được nhận hỗ trợ

Do ảnh hưởng của Covid-19 và giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đã phải tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 7 đến hết tháng 9. Vì lý do này mà một số DN xin tạm ngừng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) trong những tháng qua. Anh Đức Quyền, lao động đang làm việc tại một DN ở Q.8, chia sẻ: “Khi biết có chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN, công ty tôi ai cũng mừng vì 2 tháng nay không có lương, mức hỗ trợ 3,3 triệu cho thời gian hơn 10 năm đóng BHTN ít ra cũng giúp NLĐ có thêm chút tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Khi hỏi bên BHXH, họ nói quy định chỉ áp dụng với NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm 30.9.2021 và NLĐ chấm dứt hợp đồng từ 1.1.2020 – 30.9.2021. Chúng tôi không đóng BHTN tháng 8 và tháng 9 nên không được hưởng gói trợ cấp này”.

Theo BHXH VN, tính đến hết ngày 13.10, cơ quan BHXH đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho 310.946 NLĐ đang tham gia BHTN và 87.618 người đã dừng tham gia BHTN với tổng số tiền hỗ trợ 920,6 tỉ đồng. Ngành BHXH đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 1.10.2021 – 30.9.2022) đối với 381.925 DN, tương ứng khoảng hơn 10,4 triệu NLĐ, với tổng số tiền trên 7.653 tỉ đồng. Trong tháng 10, BHXH VN phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho NLĐ có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động.

“Những người đang có việc làm thì được hưởng thêm trợ cấp thất nghiệp, còn những người bị mất việc, ngừng việc trong 2 – 3 tháng và đang gặp khó khăn thì lại không được. Các cơ quan nghiên cứu chính sách cần phải xem xét lại sự bất công này”, anh Quyền nói.

Không chỉ có lao động mất việc, ngừng việc chưa nhận được hỗ trợ thất nghiệp, ngay cả những lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản cũng ngỡ ngàng khi nhận được câu trả lời không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Theo ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, trong quá trình tổ chức thực hiện gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN tại các địa phương đã có những phát sinh, vướng mắc. Khi xác định đối tượng được hỗ trợ, đối chiếu các quy định hướng dẫn, Cơ quan BHXH chưa có căn cứ rõ ràng để áp dụng đối với 4 đối tượng: NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật; NLĐ nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật (tự ý bỏ việc). Ông Sơn cho hay: “Tại thời điểm 30.9, những trường hợp trên không đóng BHTN, nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi “danh sách tham gia BHTN” của đơn vị sử dụng lao động và thực chất là có thời gian tham gia BHTN được bảo lưu theo quy định pháp luật về việc làm. Do hồ sơ của các cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền chưa đề cập rõ tình huống bảo lưu thời gian đóng BHTN cụ thể. Vì vậy, nghị quyết và quyết định hỗ trợ chưa quy định chi tiết về nội dung này”.

Trước vướng mắc trên, BHXH VN đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH về việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH. Trước mắt, BHXH chỉ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chi trả tiền hỗ trợ đối với những đối tượng đã có quy định cụ thể.

Nhiều lao động ngỡ ngàng vì... không được hỗ trợ thất nghiệp - ảnh 1

Công ty May 10 là một trong những đơn vị đầu tiên tại Hà Nội được nhận gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN. T.HẰNG

Sớm tháo gỡ vướng mắc phát sinh

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động VN), cho rằng những thắc mắc, băn khoăn của NLĐ là hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu căn cứ vào câu chữ trong Nghị quyết 116 thì đúng là không có đối tượng NLĐ tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc… “Lẽ ra đối tượng mất việc, tạm ngừng việc, ốm đau, thai sản… phải là những người được quan tâm hưởng chế độ đầu tiên, bởi họ đang trong hoàn cảnh khó khăn. Cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực hiện cần sớm có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho NLĐ. Công đoàn cũng sẽ có thêm tiếng nói, để những đối tượng trên sớm được nhận hỗ trợ”, ông Quảng nói.

Ngày 13.10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh nhìn nhận, trong thực tiễn triển khai Nghị quyết 116 và Quyết định 28, có những tình huống cơ quan soạn thảo chính sách không lường hết được nên không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh. Liên quan đến những vướng mắc trên, ông Thanh khẳng định: “Tại thời điểm ngày 30.9. 2021, NLĐ chưa chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia BHTN của cơ quan BHXH nên vẫn được coi là đang tham gia BHTN, và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (bao gồm cả các trường hợp tạm hoãn HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản…) trong thời gian từ ngày 1.1.2020 – 30.9.2021 cũng như trước ngày 1.1.2020, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổng hợp những vướng mắc, để từ đó đề xuất chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp”.

Theo ông Thanh, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị cơ quan BHXH ưu tiên chi trả hỗ trợ cho NLĐ ở các tỉnh phía nam bị ảnh hưởng của dịch bệnh trước, các địa phương còn lại đã bắt đầu nhận hồ sơ, hướng dẫn thủ tục nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN.

Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện, chiều tối 13.10, BHXH VN đã ban hành hướng dẫn BHXH địa phương triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ để giải quyết và chi trả hỗ trợ kịp thời cho 4 đối tượng trên. Đối với các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, BHXH các tỉnh, TP chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ.

Theo T.Hằng/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)