Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều lao động về từ Maldives bức xúc vì mức bồi thường

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi đăng loạt bài phản ánh tình trạng người lao động tại Maldives phải về nước trước thời hạn hàng loạt, VietNamNet đã nhận được phản hồi từ một số công ty đưa người đi XKLĐ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều công ty chưa đưa ra được hướng giải quyết thoả đáng, khiến người lao động rất bức xúc.

Thanh lý theo thoả thuận giữa hai bên
Trong số 260 lao động đi XKLĐ tại Maldives phải trở về nước trước thời hạn, Công ty Việt Hà có 67 người. Sau khi người lao động tập trung tại công ty đòi tiến hành thanh lý hợp đồng, cuối cùng giữa phía công ty và người lao động đã đi đến thống nhất và đưa ra được hướng giải quyết cụ thể với người lao động.
Tại công văn gửi VietNamNet, ông Lưu Quang Bình, Giám đốc Công ty Việt Hà cho biết: "Hiện trong số 67 người lao động của công ty phải về nước sớm, phía công ty đã thoả thuận và giải quyết được cho 56 người lao động, số còn lại sẽ theo lịch hẹn đến để giải quyết dứt điểm trong tháng 12".
Ngày 31/12/2008 trao đổi với PV VietNamNet, ông Bình cho biết thêm, hiện toàn bộ 67 lao động đã được công ty tiến hành thanh lý hợp đồng dựa theo thoả thuận giữa 2 bên. 

Ông Bình – Giám đốc Công ty Việt Hà cho biết, trong 67 lao động từ Maldives phải về nước sớm, công ty đã tiến hành thanh lý xong dựa trên thoả thuận giữa công ty và người lao động. Ảnh: Kiên Trung
Theo ông Bình, đối với trường hợp người lao động đã đi lao động được hơn 1 năm tại Maldives, phía công ty sẽ trả lại phí quản lý với số tiền 250 USD. Những người đi được 3 tháng, công ty sẽ trả lại phí quản lý và tiền bồi thường theo hợp đồng lao động với mức tổng cộng từ 1.000 đến 1.100 USD theo hợp đồng và thời gian làm việc cụ thể của người lao động. 
Đối với những lao động trong bài  “Đi tìm những công ty vẽ mộng” mà VietNamNet đăng tải, ông Bình cho biết, sau khi tiếp xúc trao đổi và được biết nguyện vọng của 3 lao động đều muốn đi làm việc tại thị trường khác (Bahrain). Công ty và 3 lao động trên đã thống nhất “Khi đi làm việc tại thị trường Bahrain, lao động phải đóng mức phí là 500 USD, số còn lại được công ty hỗ trợ. Thời gian dự kiến xuất cảnh đối với anh Giang là tháng 1/2009, đối với anh Sơn vì lý do gia đình nên sẽ xuất cảnh sau Tết Nguyên đán”. 
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 18/12, sau khi VietNamNet đưa tin về những lao động đi XKLĐ tại Maldives về nước đến Công ty SOVILACO đòi  thanh lý hợp đồng, sau những ngày giằng co, cuối cùng phía công ty và một số người lao động đã đi đến thống nhất và tiến hành thanh lý. Tuy nhiên, trong công văn gửi báo VietNamNet, bà Phan Thu Trang, Phó Giám đốc chi nhánh SOVILACO chỉ mới nêu ra được hoàn cảnh của từng lao động.  

Anh Phương cho rằng, mức bồi thường 10 triệu đồng của Công Ty SOVILACO, với anh là chấp nhận được. Ảnh Vũ Điệp

Liên lạc với anh Nông Văn Phương (Bắc Giang), người đã được Công ty SOVILACO thanh lý hợp đồng, PV VietNamNet được anh Phương cho biết: Sau nhiều lần lên giải quyết, cuối cùng Công ty SOVILACO đã trả cho anh 10 triệu đồng. Mức bồi thường này, theo anh Phương có thể xem là chấp nhận được. 
Còn về trường hợp của anh Tâm, anh Đức, anh Diệu, anh Định cũng đi XKLĐ thông qua Công ty SOVILACO, hiện mới chỉ có anh Định và anh Diệu nhận 10,5 triệu đồng từ thanh lý hợp đồng, còn anh Đức và anh Tâm chưa nhận. Theo anh Đức và anh Tâm, số tiền 10,5 triệu chưa thoả đáng vì nó mới bằng một nửa số tiền mà hai anh vay ngân hàng bỏ ra để đi XKLĐ qua công ty. 
Nhập nhằng thanh lý hợp đồng 
Trong số 3 công ty XKLĐ mà VietNamNet phản ánh về tình trạng người lao động của họ đi XKLĐ tại Maldives phải về nước sớm, thì đến thời điểm này, Công ty Bạch Đằng chưa đưa ra được hướng giải quyết thống nhất với 2 lao động mà VietNamNet đã phản ánh. 
Ngày 26/12, theo đúng hẹn, anh Nguyễn Thành Công và anh Trần Xuân Hoà đến Công ty Bạch Đằng để thanh lý hợp đồng, nhưng giá thanh lý mà công ty này đưa ra khiến anh Công và anh Hoà không thể chấp nhận được. 

Anh Công và anh Hoà, trong thời gian này đang phải "ăn chực, nằm chờ"  tại Công ty Bạch Đằng vì cho rằng, hướng giải quyết thanh lý hợp đồng  mà công ty  này đưa ra không thoả đáng.  Ảnh Vũ Điệp
Anh Hoà cho biết: “Công ty hẹn chúng tôi ra thanh lý hợp đồng, nhưng ra đến nơi họ chỉ trả cho chúng tôi 4,5 triệu đồng nên chúng tôi không thể chấp nhận được. Chúng tôi sang Maldives lao động mới được 7 tháng rồi phải về nước sớm do công ty hạ lương và nợ lương. Bây giờ về nhà khó khăn chồng chất, nhà chẳng còn gì bán để trả nợ ngân hàng, nên công ty trả như thế này chúng tôi không thể chấp nhận được”. 
Điều đặc biệt, sau nhiều lần công ty giải quyết không thoả đáng khiến người lao động tiếp tục phản ánh lên báo VietNamNet, PV đã  nhiều lần xuống tận công ty này liên hệ với hy vọng mong công ty và người lao động có hướng giải quyết thoả đáng giữa hai bên, thì giám đốc công ty lại liên tiếp đưa ra lý do bận việc nên không thể trả lời. 
Cũng trong thời gian vừa qua, VietNamNet đã liên tiếp nhận được thông tin từ những lao động sang Maldives trở về nước sau khi tiến hành thanh lý hợp đồng đã không đem lại được sự thống nhất. 
Anh Vũ Đức Luận (1971), ở Võ Nhai, Thái Nguyên, đi XKLĐ sang Maldives qua Công ty TRADECO, làm việc mới chỉ được hơn 1 tháng anh Luận đã về nước vì bị phía công ty tiếp nhận tại Maldives sa thải. 
Anh Luận cho biết: “Tôi sang làm việc thông qua Công ty môi giới Haipha, nhưng khi sang làm việc được 1 tháng, tôi và 4 người lao động Việt Nam chỉ được trả 150 USD/ tháng, mức lương này không đúng như thoả thuận đã ký 250 USD/ tháng. Không những thế, chỉ sau chưa đầy một tháng, tôi bị phía công ty đuổi việc rồi bị Công ty môi giới Haipha bỏ mặc nên phải về nước”. 
Sau khi về nước, anh Luận đã đến Công ty TRADECO để thanh lý hợp đồng, thì được anh Tuấn, phòng nhân sự của công ty cho biết, công ty chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng, nhưng đồng thời cũng trừ 600 USD tiền lo vé máy bay cho anh Luận về nước. 
Với mức bồi thường theo thanh lý hợp đồng của Công ty TRADECO, anh Luận cho rằng không hợp lý. Anh Luận bức xúc: “Theo hợp đồng sang làm việc, phía công ty sai hoàn toàn: Không có việc làm và điều kiện lao động khó khăn thì phía công ty phải bồi thường cho người lao động. Nhưng về nước họ chỉ bồi thường cho số tiền ít ỏi thế này thật không hợp lý chút nào”. 
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Tuấn, nhân viên của Công ty TRADECO lại cho rằng, anh Luận đã đòi về nước chứ không phải bị đuổi việc chính vì thế anh Luận phải trả lại cho phía công ty khoản tiền vé máy bay đưa anh Luận về nước. 
Được biết, trong trả lời PV VietNamNet về hướng giải quyết cho người đi XKLĐ Maldives phải về nước trước thời hạn, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, ông Nguyễn Thanh Hoà và Cục trưởng Cục QL Lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh đã khẳng định: Giải quyết không được làm hại đến quyền lợi người lao động mà phải dựa trên hợp đồng đã ký giữa hai bên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi công ty có một hướng giải quyết khác nhau, khiến người lao động hết sức bức xúc.
Vũ Điệp – Kiên Trung (VietNamNet)
 

 

 

Bình luận (0)