Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhiều lỗ hổng trong hoạt động âm nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Từ hội thảo “Phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật VN – thực trạng và giải pháp”, với tư cách nhà nghiên cứu của Hội Nhạc sĩ VN, tác giả Nguyễn Thị Minh Châu gửi đến PV bài viết xoay quanh vấn đề quản lý nghệ thuật từ góc nhìn âm nhạc.
Vấn đề bản quyền ca khúc nước ngoài được sử dụng trong các cuộc thi trên truyền hình vẫn chưa được giải quyết. Trong ảnh: Thí sinh Giọng hát Việt tại live show tối 28-10 dự thi với hai ca khúc nước ngoài: Skyfall và Cry me out – Ảnh: Gia Tiến
Tuổi Trẻ trích đăng:
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, chưa bao giờ đời sống ca nhạc ở ta rộng mở, đa màu đa sắc đa chiều và cũng bộn bề, dễ lệch chuẩn loạn chuẩn như trong thời chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ này. Cũng chưa bao giờ tình hình âm nhạc bị coi là thiếu chuyên nghiệp và mất cân đối như lúc này.
Thiếu chuyên nghiệp, mất cân đối – lỗi này thường đổ hết cho thị hiếu công chúng, cho mối quan hệ cung – cầu của kinh tế thị trường, chứ không có chuyện công khai thừa nhận con thuyền chao đảo trước hết là do người cầm lái điều khiển và định hướng. Sự đề cao thành tích và khó chấp nhận những ý kiến phản biện cũng là một nguyên do khiến việc quản lý âm nhạc càng thêm lúng túng và khó đạt hiệu quả mong muốn.
Cấm đoán chỉ chứng tỏ sự bất lực
Để đưa ra định hướng phù hợp và kịp thời, người quản lý phải có tầm nhìn và bản lĩnh. Để tổ chức thực hiện hoạch định một cách tối ưu, người quản lý không thể không có nghề. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa đào tạo nghề quản lý chuyên nghiệp cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Công việc quản lý thường đặt lên vai người làm chuyên môn nghệ thuật, tức là được đào tạo về chuyên ngành âm nhạc chứ không phải nghề quản lý. Không có bằng cấp quản lý, chỉ dự lớp bồi dưỡng vài ba tháng là nhà chuyên môn biến thành người quản lý. Hiện nay tiêu chuẩn người giữ chức vụ lãnh đạo còn phải có đủ chức danh (giáo sư, tiến sĩ) hoặc danh hiệu (NSND, NSƯT). Quy định này nếu không thúc đẩy cuộc chạy đua chức danh giả cho người làm chuyên môn yếu, thì cũng góp phần đánh đổi một người làm chuyên môn tốt lấy một nhà quản lý tồi.
Ở thời đại công nghệ tin học, nhà quản lý không thể quản theo cách bó chặt, quản không nổi thì cấm. Cấm đoán chỉ chứng tỏ sự bất lực. Kể cả với loại nhạc thảm họa, nhạc rác rưởi, không thể loại trừ kiểu cấm tiệt, mà trước hết nhà quản lý phải làm mọi cách để cung cấp nhạc hay, nhạc sạch. Muốn tạo nên môi trường âm nhạc lành mạnh thì nhà quản lý cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng cho các hoạt động âm nhạc. Xây dựng mặt bằng ở đây không chỉ theo nghĩa đen là cơ sở kiến trúc nhìn thấy được (trường đào tạo, nơi giải trí và thưởng thức nghệ thuật…), mà còn là vấn đề con người, là dân trí, là quyền sáng tạo và thưởng thức âm nhạc với những thị hiếu khác nhau.
Nhiều tắc trách, nhiều phàn nàn
Người quản lý âm nhạc hiện nay đang đối mặt với cả một mối bòng bong không biết gỡ từ đâu. Có rất nhiều sạn trong đào tạo chuyên ngành, giáo dục đại chúng, quảng bá truyền thông. Có rất nhiều tắc trách trong chế độ chính sách đối với nghệ nhân nhạc cổ, trong bồi dưỡng lao động nghệ thuật cho nghệ sĩ giao hưởng thính phòng, trong thù lao chất xám ở lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc. Có rất nhiều phàn nàn về các chương trình hoành tráng (vẫn được gọi là ca nhạc “cúng cụ”) tốn kém kinh phí nhà nước, nhưng thiếu chất lượng nghệ thuật và không có khán giả. Vậy dùng tiền thuế của dân với mục đích là hướng tới công chúng không hay chỉ để đáp ứng yêu cầu lễ lạt?
Còn có rất nhiều lỗ hổng trong kiểm soát hoạt động âm nhạc khiến các nhà quản lý luôn bị động trong các vụ kiện cáo bản quyền, cấp phép biểu diễn, quy định trang phục ca sĩ… Bộ máy quản trị không thể vận hành một cách thấu tình đạt lý khi thiếu hành lang pháp lý hoàn chỉnh, một bộ luật chuyên ngành cho lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và luật âm nhạc nói riêng…
Quản lý không chỉ là một nghề mà còn là một nghệ thuật, như định nghĩa của nhà văn – nhà quản lý Mary Parker Follett: “Quản lý là nghệ thuật đạt được mục đích thông qua người khác”. Quản lý nghệ thuật âm nhạc càng đòi hỏi có nghệ thuật, bởi sự điều hành đó ảnh hưởng trực tiếp đến sắc diện đời sống âm nhạc hôm nay, và để lại dư âm to lớn cho sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà mai sau.
Nhiều câu hỏi cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam
Ngày 30-10, hội thảo “Phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật VN – thực trạng và giải pháp” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây cũng là nội dung một đề tài cấp bộ do Vụ Khoa học – công nghệ và môi trường (Bộ VH-TT&DL) đang thực hiện.
Từ điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học đến âm nhạc, múa đều được mang ra mổ xẻ. Đặc biệt, văn hóa truyền thống dân tộc tồn tại và phát triển như thế nào đang trở thành một vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Thậm chí, một nhà nghiên cứu âm nhạc đặt câu hỏi: âm nhạc dân tộc có còn là quốc nhạc của VN trong giai đoạn nhạc ngoại tràn làn, giới trẻ phát cuồng theo các trào lưu âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản?… Các tham luận cũng hướng đến việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật trước nhiều thách thức.
Theo PLTP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)