Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều loại mì, bún, phở bị “đứt” hàng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một số điểm bán ở TPHCM hiện không còn mì, phở, bún cả dạng tươi lẫn khô hoặc chỉ còn rất ít.

Chúng tôi hỏi mua một thùng phở bò Vifon, nhân viên cửa hàng VinMart Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp) chỉ tay ra kệ hàng: “Chị xem còn bao nhiêu gói thì lấy đỡ chứ hàng chưa về kịp”. Sau mấy ngày, chúng tôi đến hỏi lại, vẫn nhận được câu trả lời “chưa có hàng”. Phở gà hiệu Hoàng Gia có gói thịt kèm tô của Vifon cũng không còn hàng và chưa biết khi nào có hàng lại. Mặt hàng bánh đa cua Hoàng Gia của Vifon cũng không còn hàng. Nhân viên cửa hàng Vissan Lê Thị Hồng (Q.Gò Vấp) cho biết, mặt hàng này hết từ tuần trước nhưng tuần này cũng chưa có hàng. 

Anh Hùng – nhân viên kinh doanh của một siêu thị lớn – cho biết, nhiều sản phẩm mì, phở đựng trong tô, ly, gói của các hãng đều bị thiếu hàng. Đặc biệt, phở kèm tô của tất cả các nhà cung cấp đều không còn hàng và chưa biết khi nào có hàng lại. “Các nhà sản xuất vẫn cung cấp sản phẩm mì, phở, bún khô cho siêu thị nhưng số lượng rất ít, chỉ đủ bán lẻ cho người mua số lượng ít, nhất là mì ly, mì tô” – anh Hùng cho hay.

Nhiều nhóm thực phẩm chế biến, đặc biệt là các lại như bún tươi, bánh canh, sợi phở… tại các cửa hàng, siêu thị đều khan hiếm

Anh Tuấn – nhân viên kinh doanh của một công ty lớn sản xuất mì, phở – cho biết, do áp dụng quy định “ba tại chỗ”, lực lượng nhân công của công ty giảm hơn 2/3, không có đủ nhân lực sản xuất, cộng với việc thiếu nguyên liệu do khâu vận chuyển gặp khó khăn, nên tổng sản lượng hàng giảm hơn 50%, không đủ hàng để cung cấp cho các nhà phân phối. Nhiều sản phẩm chưa biết khi nào mới sản xuất lại được, như phở tô.

“Mì, phở dạng gói, ly, tô đều thiếu hàng, đặc biệt là mì, phở kèm tô đang “đứt” hàng, chưa biết khi nào có lại. Nhà phân phối nào thông cảm thì họ chờ hàng, không thì họ chuyển sang lấy hàng của hãng khác, nhưng không riêng gì công ty tôi mà các công ty khác cũng bị thiếu hàng. Có đơn vị bắt đền hợp đồng trong khi đây là tình trạng ngoài ý muốn” – anh Tuấn chia sẻ.

Trong buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và 11 hiệp hội ngành hàng công nghiệp mới đây, lãnh đạo các hiệp hội đề xuất, bên cạnh giải pháp “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. 
Bên cạnh việc ưu tiên cho người lao động trong các doanh nghiệp (DN) sớm được tiêm vắc-xin (DN có thể tự chịu chi phí), cần cho phép DN áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh. Theo đó, người lao động có thể làm thêm nhiều hơn số giờ quy định trong tháng nhưng vẫn không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm. Điều này là phù hợp do người lao động nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các DN phải tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.

Lãnh đạo các hiệp hội cũng đề nghị các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, DN và có quy định thống nhất giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các DN sớm được quay trở lại sản xuất khi các điều kiện phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo; gỡ bỏ quy định về định mức số lượng ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với tài xế và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR. 

Trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, lãnh đạo Cục Công nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa. 

Không kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện vận tải trên các cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ do công tác kiểm tra phòng dịch ở nhiều địa phương trong những ngày qua, chiều 25/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký văn bản yêu cầu không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trong phạm vi cả nước.
Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.

Nhật Thanh

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)