Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều lớp bổ túc văn hóa trước nguy cơ giải thể

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2010-2011 Trường BTVH Thành Đoàn ngưng chiêu sinh HV mới

Sau khi rớt 3 nguyện vọng (NV) vào lớp 10 trường công lập hoặc vì một lý do nào đó mà có một số HS đã tìm đến các lớp BTVH để theo học nhưng thực tế các em vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Đăng ký học BTVH – không dễ
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, Hoàng Ngọc Phương – HS Trường THCS Lý Tự Trọng, Q.Gò Vấp chỉ được 29 điểm nên rớt cả 3 NV. Không còn cách nào khác nên ba mẹ khuyên em vào học lớp BTVH tại Trường THPT Trần Hưng Đạo cách nhà chỉ hơn 2km. Do nấn ná chần chừ nên đến ngày 25-7 Phương mới mang hồ sơ đến Trường THPT Trần Hưng Đạo để xin nhập học. Thế nhưng thời điểm này trường đã nhận đủ HS nên dù dư 2 điểm, em vẫn không thể xin vào học BTVH tại đây được. Cô Đỗ Tuyết Bảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay trường tiếp tục mở 2 lớp BTVH với số lượng HS gần 100 em. Tuy nhiên sau khi đã nhận đủ hồ sơ vẫn có rất nhiều HS đến xin nhập học nhưng nhà trường không thể giải quyết được vì không còn lớp để học”. Cũng theo cô Bảo nếu nhận hết hồ sơ theo đúng NV của các em thì số HS có thể lên đến 150 em và như vậy trường phải mở 3 lớp 10 mới đủ chỗ cho HS đến học. Trường THPT Trần Hưng Đạo thuộc hệ phổ thông có mở BTVH chủ yếu tăng cường hỗ trợ cho các trung tâm GDTX còn thiếu phòng học. Tuy nhiên hiện nay nhiều trường còn khó khăn về cơ sở vật chất cho cả hệ phổ thông thì không thể ôm thêm gánh nặng của các lớp BTVH.
Cũng rớt 3 NV trường công lập nhưng không thể xin vào học các trường tư thục dân lập vì hoàn cảnh gia đình nên Lương Thị Mai – HS Trường THCS Yên Thế, Bình Thạnh chọn con đường BTVH. Biết trong quận có Trường THPT Thanh Đa là trường duy nhất mở lớp BTVH từ mấy năm nay nên Mai được ba mẹ khuyên vào đây học tiếp lớp 10. Tuy nhiên khi đến trường em mới biết năm nay Trường THPT Thanh Đa không còn mở lớp BTVH nữa nên Mai chỉ biết cầm bộ hồ sơ trở về nhà. Cũng giống như Phương, Mai chưa tìm ra được con đường đi tiếp của mình dù chỉ vào 1 lớp để học BTVH. Nghe lời khuyên của các thầy trong Trường THPT Thanh Đa, em lại tìm đến Trung tâm KTTH-HN Lê Thị Hồng Gấm để nộp hồ sơ nhưng nơi đây cũng vừa nhận đủ HS. Không chỉ có Mai, rất nhiều HS khác khi đến trung tâm này cũng phải ra về vì nhà trường đã “khóa sổ” từ tuần trước. Một số bạn bè lại khuyên em đến Trung tâm GDTX Q.3 để đăng ký nhưng em đang phân vân vì nhà ở P.25, Q.Bình Thạnh mà lên trung tâm học ở trên đường Lý Chính Thắng, P.7, Q.3 thì xa quá, ngày hai lượt đi về rất vất vả. Cũng giống như một số em khác, dù học BTVH nhưng Mai vẫn muốn học tại trường THPT hơn là xin vào học tại các trung tâm GDTX.
Không muốn mở BTVH
Học hết THCS do hoàn cảnh gia đình nên Võ Kim Ánh phải rời ghế nhà trường đi làm công nhân ở Q.Thủ Đức. Do ao ước một tấm bằng tú tài nên năm nay Ánh quyết định tìm một nơi để học tiếp lớp 10 BTVH và ngôi trường mà em đã chọn là Trường BTVH Thành Đoàn – nơi có nhiều bạn bè, đồng nghiệp của em đang theo học ở đó.
Tuy nhiên ước nguyện của em sẽ không bao giờ thực hiện được vì năm nay theo quyết định của Thành Đoàn TP.HCM, Trường BTVH Thành Đoàn không chiêu sinh HV nữa. Cô Đàm Thị Tâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không nhận HV mới nhà trường chỉ tổ chức dạy các lớp đang còn HV cũ theo dạng cuốn chiếu để hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của nhà trường”. Như vậy sau hai năm nữa Trường BTVH Thành Đoàn chính thức giải thể, nhiều HV như Lương Thị Mai đành phải đi tìm chỗ khác học.
Năm nay nhiều lớp BTVH co lại nên nhiều HS muốn vào học rất khó khăn khi đi tìm trường. Bình Thạnh là một quận trung tâm đông dân cư có rất nhiều HS theo học các lớp BTVH, phổ cập nhưng năm nay Trung tâm GDTX quận cũng chỉ mở có 6 lớp trong đó có 4 lớp ban ngày và 2 lớp ban đêm. Ban giám đốc cho biết nếu HS đến đăng ký thêm cũng không nhận được vì không có phòng học, cơ sở vật chất đang khó khăn, nhiều năm nay phải “ăn nhờ ở đậu” tại các điểm trường như Tiểu học Hà Huy Tập, Tiểu học Phù Đổng, THCS Thanh Đa, THCS Hà Huy Tập, THCS Cửu Long… Do năm nay đang xây sửa nên Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận trước mắt cũng chỉ “dám” tuyển sinh 5 lớp 10. Thầy Nguyễn Trần Bảo Long – Phó giám đốc Trung tâm cho biết, sau khi sửa xong các phòng học đến đầu tháng 9 mới lấy thêm một lớp nữa.
Không riêng gì Trường THPT Thanh Đa, một số trường THPT mở BTVH gần đây đang có xu hướng co lại hoặc giải thể luôn như THPT Ngô Thời Nhiệm, THPT Trần Phú. Trao đổi với một số hiệu trưởng các trường này, chúng tôi được biết do mở thêm lớp BTVH nên số lượng HS trong trường tăng hơn, các khoản chi giống như HS phổ thông nhưng các em thuộc hệ BTVH nên không được bộ phận kế toán của sở giải quyết chế độ. Một hiệu trưởng đưa ra bài toán, so với HS phổ thông số tiền học phí của các HV lớp BTVH rất thấp chỉ có 65 ngàn đồng/ tháng, chi 80% cho GV đứng lớp nên tính ra số tiền thanh toán chỉ có 19 ngàn đồng/ tiết. Để trả cho GV đứng lớp 30 ngàn đồng/ tiết không còn cách nào khác nhà trường phải bù lỗ vào đó thêm 11 ngàn đồng. Hàng tháng, hàng năm phải bù lỗ nên kinh phí đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đa số các em theo học BTVH có hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên số tiền học phí hàng tháng dù ít ỏi vẫn không đóng đủ và có nhiều phụ huynh không chịu đóng luôn gây trở ngại cho nhà trường trong chế độ thu chi. Theo các GV vừa dạy phổ thông vừa dạy BTVH, ngoài một số em chịu học còn có một bộ phận chây lười, ý thức kỷ luật kém, kết quả học tập yếu không chỉ ảnh hưởng tới bạn bè trong lớp mà còn ảnh hưởng tới cả các khối lớp phổ thông học cùng trường. Tất cả đó là những lý do mà hiện nay các trường THPT không mặn mà với các lớp BTVH. Mặc dù biết đó là nhiệm vụ hỗ trợ cho công tác phổ cập, nâng cao trình đô văn hóa cho người dân, xây dựng một xã hội học tập nhưng trách nhiệm lại quá lớn và có lúc vượt quá sức mình càng “ôm” càng vất vả.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)