Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều mặt hàng chịu sức ép tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng thiết yếu đang chịu nhiều sức ép tăng giá.

Giá rau xanh và nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm ở TPHCM đang tăng. Ảnh: Đại Dương.
Giá lương thực, thực phẩm đang tăng
Theo ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, những ngày gần đây, một số trung tâm thương mại, siêu thị đề nghị tăng giá 5-10% đối với các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu như mỹ phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng…
Tuy nhiên, hiện các nhà cung cấp và nhà phân phối đang đàm phán để xác định mức tăng và dự kiến sẽ tăng nhẹ 3-5%. Bà Mai Trang, phụ trách truyền thông hệ thống siêu thị Coop Mart cũng xác nhận ba nhóm mặt hàng nhập khẩu với khoảng 50 mặt hàng gồm rượu, nước giải khát và đồ hộp tăng giá 5-10%.
Do ảnh hưởng của dịch heo tai xanh, giá thức ăn chăn nuôi, con giống tăng nên giá thịt gia cầm tại các chợ có xu hướng tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Bà Phạm Thị Huân-Giám đốc Cty TNHH Ba Huân cho biết, do các chi phí đầu vào tăng, cộng với nguồn gà đẻ trứng giảm (vì giá gà cao, các trang trại đem bán thịt thay vì để nuôi đẻ trứng) nên các trang trại vệ tinh gây áp lực phải tăng giá trứng lên khoảng 250 đồng/quả. Giá đường tại các chợ có xu hướng tăng nhẹ và hiện ở mức 21.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng so với mức giá bình ổn. Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ nay đến Tết.
Riêng mặt hàng gạo, giá đang có xu hướng tăng. Gạo trắng thường tại các chợ truyền thống từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/kg, tăng trung bình 500 đến 1.000 đồng/kg. Cũng do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt, giá một số loại rau xanh, củ quả như xà lách, cà chua tăng khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.
Tăng dự trữ, kìm giá bán
Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuẩn bị nguồn hàng dự trữ và cung ứng hàng hóa để bình ổn thị trường, đặc biệt trong những tháng cao điểm Tết. Đến nay, đã có 14 doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ vốn vay lãi suất bằng 0 để tạo nguồn cung cấp 4.660 tấn thịt heo, đáp ứng trên 30% nhu cầu thị trường; trên 2.550 tấn thịt gia cầm, chiếm gần 40% nhu cầu thị trường; dự trữ trên 11.000 tấn đường, tăng 35% so với nhu cầu tiêu dùng bình quân của người dân thành phố (8.200 tấn/tháng); dự trữ 1.000 tấn dầu ăn, chiếm 20% nhu cầu thị trường; 22,5 triệu quả trứng …
Ngoài ra, năm nay thành phố cũng chuẩn bị một lượng lớn thủy hải sản để thực hiện bình ổn thị trường. Ước tính, nhu cầu tiêu dùng thủy hải sản của dân ở thành phố khoảng 14.000 tấn/tháng vào thời điểm bình thường và 18.000 tấn/tháng vào cao điểm Tết. Ngoài các đơn vị tại thành phố tham gia Chương trình bình ổn, Tập đoàn Phú Cường (Cà Mau) với năng lực cung cấp bình quân 100.000 tấn sản phẩm thủy hải sản các loại cũng tham gia cung cấp hàng góp phần bình ổn thị trường.
Ông Châu Nhựt Trung- đại diện Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ nói: Những năm trước, việc thực hiện bình ổn chỉ trong thời gian 2 tháng dịp Tết thì thực hiện tương đối dễ, nhưng năm nay, Chương trình bình ổn kéo dài (từ tháng 6-2010 đến cuối tháng 3-2011) nên việc doanh nghiệp trụ vững là rất khó, bởi nguồn hàng phải chuẩn bị rất lớn, trong khi giá đầu vào liên tục tăng đột biến. “Chỉ cần giá đầu vào tăng 1.000 – 2.000 đồng là mất ăn mất ngủ”- Ông Trung nói.
Chấn chỉnh điểm bán hàng bình ổn
Từ khi thực hiện Chương trình bán hàng bình ổn (tháng 6-2010) đến nay, các sở ngành đã theo dõi, kiểm tra và loại khỏi chương trình 562 điểm bán không chấp hành tốt các quy định của Chương trình. Tổng các điểm bán bình ổn hiện nay trên địa bàn thành phố là 1.983 điểm, tăng 89 điểm so với thời gian đầu thực hiện Chương trình. Đồng thời, số điểm bán bình ổn tại các chợ truyền thống cũng tăng từ 316 điểm lên 471 điểm.
Theo Tiền Phong

 

Bình luận (0)