Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trước Tết Đoan ngọ đến nay, nhiều mặt hàng thực phẩm ở TP.HCM đã được dịp đẩy giá lên cao.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết: “Giá các mặt hàng gia vị hiện nay đang tăng cao. Hành củ hiện có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg; tỏi Trung Quốc khoảng 50.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg. Dù hàng về chợ tăng mạnh nhưng một số loại trái cây vẫn tăng giá, như mãng cầu tròn 35.000 đồng/kg, (tăng khoảng 25%), măng cụt 34.000 đồng/kg (tăng khoảng 25%), cam: 35.000 đồng/kg (tăng 40%)…”.

Giá rau củ tại một số chợ TP.HCM đang tăng cao – Ảnh: H.V
Vải thiều dù vào mùa nhưng giá vẫn cao, từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, (năm trước chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/kg). Các mặt hàng rau củ, như khổ qua, bông cải, cải thảo… cũng tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg. Sau Tết Đoan ngọ, đến nay nhiều mặt hàng giá vẫn còn cao như vịt quay từ 150.000 – 190.000 đồng/con (1,5 – 2 kg/con), heo quay từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, gà ta từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, gà thả vườn 60.000 – 65.000 đồng/kg…
Bà Hà giải thích: “Một số mặt hàng trái mùa nên giá cao. Cũng có một số do tiêu thụ mạnh nên giá tăng. Tuy nhiên, trong khi giá tại chợ đầu mối tăng ít, tăng trong tầm kiểm soát thì tại các chợ lẻ tăng rất mạnh”.
Các hàng cá tươi sống ở chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức), Bàu Cát, Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) cũng đều tăng giá mạnh: Cá điêu hồng từ 32.000 đồng/kg tăng lên 42.000 đồng/kg; cá lóc đồng từ 70.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg.
Bình ổn giá không đợi… Tết
Trên thực tế, tình trạng “hàng thừa giá giảm, hàng thiếu giá tăng”, hay “té nước theo mưa” là không còn lạ lẫm ở thị trường TP.HCM. Chương trình bình ổn giá được triển khai vào dịp giáp Tết Nguyên đán nhưng năm nay được triển khai sớm, với nét mới là thực hiện bình ổn ngay cả trong thời điểm bình thường chứ không chỉ bình ổn dịp cuối năm. Theo kế hoạch, thời gian bình ổn thị trường là 10 tháng, từ ngày 1.6.2010 – 31.3.2011 với 8 nhóm mặt hàng thiết yếu: gạo – nếp, đường cát trắng, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau, củ, quả.
Cụ thể, gạo trắng thường 6.000 tấn/tháng; đường RE 1.800 tấn/tháng; dầu ăn 700 tấn/tháng; thịt gia súc 3.600 tấn/tháng; thịt gia cầm 1.450 tấn/tháng; trứng gia cầm 13,5 triệu quả/tháng; thực phẩm chế biến 1.050 tấn/tháng; rau củ 1.000 tấn/tháng. Giá hàng hóa trong chương trình bình ổn cam kết thấp hơn 10% hàng hóa cùng loại trên thị trường.
Liên hiệp HTX thương mại TP, Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, Công ty TNHH TM và CBTP Phú An Sinh đều đăng ký bán thịt gà với mức giá 90.000 đồng/kg. Các công ty TNHH Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đăng ký giá trứng gà loại 1 là 21.000 đồng/hộp, trứng gà loại 2 là 22.000 đồng/hộp; trứng vịt loại 1: 25.500 đồng/hộp, trứng vịt loại 2: 26.300 đồng/hộp.
Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc Sở Công thương TP, nhấn mạnh: "Trong trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các DN sẽ phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng. Mức giá công bố sẽ được người tiêu dùng, cơ quan kiểm tra liên ngành và báo chí giám sát, đơn vị nào cố ý làm sai sẽ có biện pháp xử lý”.
Điều các DN còn băn khoăn là năm nay một số mặt hàng như trứng gà, trứng vịt đã bị cắt giảm định mức cho vay, và người tiêu dùng vẫn còn thắc mắc về mức giá công bố không đồng nhất giữa các DN tham gia chương trình bình ổn.
Theo Thanh Nien

 

Bình luận (0)