Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều mẫu nước mắm chứa chất gây ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả khảo sát nước mắm trên thị trường cả nước được công bố chiều 17-10 đã bổ sung thêm minh chứng về thực trạng nước mắm không đảm bảo chất lượng mà lâu nay người tiêu dùng luôn nghi ngờ hoặc không hay biết gì với 95,65% mẫu từ 40 độ đạm trở lên có hàm lượng arsen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định, khiến nhiều người thật sự bàng hoàng.

Mỗi năm tung ra hơn 200 triệu lít nước mắm

Chiều 17-10 tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát thực trạng chất lượng nước mắm và nước chấm trên toàn quốc. Sự kiện này được công bố đúng thời điểm mà dư luận liên tục xôn xao về một số hãng nước mắm vốn nổi tiếng lâu nay trên thị trường Việt Nam nhưng bị hồ nghi là không đảm bảo an toàn thực phẩm, thành phần nước mắm có chứa các chất gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. 

Người dân rất băn khoăn trong việc chọn mua nước mắm

Theo ông Vũ Xuân Diện, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tổ chức đại diện cho tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cả nước, cho biết từ lâu nước mắm là loại gia vị không thể thiếu đối với các gia đình Việt Nam và trong tương lai vẫn tiếp tục mở ra nhiều triển vọng trên thị trường thực phẩm. Trước đây, phương thức sản xuất chủ yếu là thủ công truyền thống: nước mắm được làm từ cá và muối. Nhưng trong xã hội hiện đại, nhu cầu tăng cao thì ngành sản xuất nước mắm theo quy mô công nghiệp ra đời. Theo ước tính, hiện cả nước đang có tới 2.300 cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, mỗi năm tung ra thị trường hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên gần đây, chất lượng và độ an toàn có nhiều biểu hiện đáng ngờ và không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ về thành phần dinh dưỡng, độ an toàn cần có của nước mắm. Tệ hơn là người tiêu dùng hoàn toàn không có nhiều thông tin để lựa chọn khi mua, ngoại trừ các thông tin mà nhà sản xuất ghi trên sản phẩm.

Nước mắm bày bán tại các siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Thành Trí

Báo động về kim loại nặng, thạch tín vượt ngưỡng

Theo các chuyên gia hóa phẩm, arsen có nhiều loại và mức độc hại của chúng cũng khác nhau, arsen dạng vô cơ độc hơn arsen hữu cơ. Trong khi arsen vô cơ có thể gây ung thư thì arsen hữu cơ thường có nhiều trong thủy, hải sản. Việc nhiễm độc arsen vô cơ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang, thận, gan, phổi và bệnh tim mạch.

Trong nước mắm, arsen được coi là chất trung gian hình thành trong quá trình sản xuất nước mắm, nhưng đó là arsen hữu cơ. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tiến hành khảo sát hàm lượng arsen vô cơ của 20 mẫu trong số 101 mẫu có kết quả thử nghiệm hàm lượng arsen tổng lớn hơn 1mg/l. Kết quả cho thấy không phát hiện được arsen vô cơ với giới hạn phát hiện là 0,03mg/l và 0,01mg/l.

Gia Quảng.

Theo kết quả khảo sát mới nhất về độ an toàn và chất lượng thật dựa trên 150 mẫu nước mắm được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thu thập tại 19 tỉnh, thành phố và gửi đi kiểm tra tại hai trung tâm kiểm định chất lượng uy tín tại Hà Nội và TPHCM cho thấy có những vấn đề đáng báo động về nước mắm gồm cả chất lượng thật sự so với thông tin ghi trên nhãn mác và độ an toàn (có chứa kim loại nặng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng).

Cụ thể, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, có tới 67% mẫu nước mắm được khảo sát không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế đưa ra. Theo quy định tại TCVN 8-2:2011/BYT thì hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/l nhưng kết quả thử nghiệm arsen tổng cho thấy có tới 101/150 mẫu (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN năm 2011. Trong đó hàm lượng arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ 1,0mg/l đến 5mg/l. Đáng chú ý, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ các mẫu có arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là có tới 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. 
Nước mắm có độc và không an toàn đã đành, nhưng tệ hơn là các nhà sản xuất lại đang “ăn gian” chất lượng của người tiêu dùng so với những gì được niêm công khai trên nhãn mác. Qua phân tích cho kết quả, các chỉ tiêu bị ăn gian chủ yếu là độ đạm trong nước mắm, như nitơ toàn phần, nitơ ammoniac, nitơ acid amin… Trong số 51% số mẫu có lượng nitơ toàn phần thấp hơn con số nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa thì gần 15% mẫu có độ “vênh” với số liệu trên nhãn mác hơn 40%.

Theo ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để trả lại quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan của Chính phủ cần tăng cường kiểm tra chất lượng nước mắm, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn có đúng thực tế và cần công bố kết quả kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc và đòi hỏi doanh nghiệp có lương tâm với sản phẩm của mình, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức để sử dụng các loại nước mắm thực sự an toàn và chất lượng, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, nói không với nước mắm bẩn và gian lận.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả đợt kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm trên địa bàn TP. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 19 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm 76% số cơ sở kiểm tra; phạt tiền gần 180 triệu đồng, đồng thời tạm đình chỉ hoạt động 5 cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất, chế biến.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng tịch thu và tiêu hủy 1.324kg nước tương không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, 225kg mắm nêm không đạt chất lượng; niêm phong chờ xử lý 1.435 lít nước mắm, nước mắm nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm; giám sát tái chế 383 lít mắm không đạt chất lượng. 
“Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 30 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, kết quả 18/30 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý; 8/10 mẫu nước mắm có độ đạm lớn hơn 30 độ có chỉ tiêu Arsen vượt giới hạn cho phép từ 2 đến 3 lần”, ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết. 
Qua kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm của các cơ sở chủ yếu là về chất lượng sản phẩm, chất lượng nguyên liệu, ghi nhãn không đúng với thành phần thực tế, điều kiện vệ sinh tại cơ sở, điều kiện bảo quản, khu súc rửa vỏ chai kém vệ sinh.

NGỌC MINH

VĂN PHÚC/ SGGP

 

Bình luận (0)