Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nhiều mô hình hay góp phần kéo giảm tai nạn giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sinh viên các trường ĐH-CĐ cũng tích cực tuyên truyền ATGT bằng nhiều hình thức. Ảnh: I.T

Vừa qua, MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động toàn dân bảo đảm trật tự ATGT năm 2012 và triển khai chương trình công tác năm 2013. Tại hội nghị, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, 2 tháng đầu năm nay tình hình trật tự ATGT đang có chiều hướng phức tạp, tai nạn giao thông gia tăng.
Đây là trách nhiệm của không chỉ các lực lượng chức năng, mà có cả trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. MTTQ Việt Nam cần quan tâm thực hiện 5 nhiệm vụ chính, trong đó đặc biệt là tiếp tục thực hiện nghị quyết 18 của Ban Bí thư. MTTQ các cấp phải có những chương trình hành động cụ thể, đổi mới cách thức tuyên truyền thực chất và hiệu quả hơn.
Nhiều tỉnh, thành phố ký thực hiện chương trình phối hợp
Theo Phó chủ tịch Thường trực MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên, Ủy viên Ủy ban ATGT quốc gia, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT đã được MTTQ các cấp tập trung chú trọng, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua việc xây dựng các mô hình điểm, lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đưa vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Cũng trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp số 14/CTrPH-MTTW-UBATGTQG giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban ATGT quốc gia về “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Đến nay đã có 39 tỉnh, thành phố ký thực hiện chương trình phối hợp. Đồng thời, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam như Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… thông qua các phong trào thi đua yêu nước lồng ghép triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trật tự ATGT, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đội viên khi tham gia giao thông. Công đoàn Việt Nam đã vận động 98% công nhân viên chức lao động đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các tỉnh, thành hội xây dựng kế hoạch triển khai công tác ATGT phối hợp với ban ATGT cùng cấp tổ chức 9.109 lớp tập huấn tuyên truyền Luật Giao thông cho 489.045 cán bộ hội các cấp từ cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, đến cơ sở và chi hội trưởng nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được triển khai rộng khắp gắn liền với xây dựng nông thôn mới: Huy động được 2.748.382 ngày công lao động với 383,38 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 213.330,35km đường nông thôn. Nhiều nơi, các tầng lớp nhân dân đã tự giác tham gia đóng góp xây dựng các công trình giao thông, nhất là việc hiến đất, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, bảo vệ công trình đường sắt, đường thủy nội địa.
Tạo thói quen tham gia giao thông an toàn
Nhiều mô hình điểm trong công tác bảo đảm ATGT đã được MTTQ các cấp thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Điển hình như MTTQ tỉnh Hưng Yên có mô hình chỉ đạo điểm MTTQ tham gia đảm bảo trật tự ATGT năm 2012 tại xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào. Đến nay, mô hình này đã và đang hoạt động hiệu quả. MTTQ xã đã tổ chức ký cam kết cho 5/5 khu dân cư, 1.245 gia đình ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT; kẻ vẽ được 60 khẩu hiệu; treo 35 panô, băng rôn tuyên truyền về ATGT. Sau một năm, các mô hình “Tổ tự quản về đảm bảo trật tự ATGT” do MTTQ các cấp chủ trì đã phát huy được vai trò trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đảm bảo trật tự ATGT. Trong khi đó, ở TP.Hải Phòng có mô hình “Lòng đường an toàn, trên hè gọn gàng” và “Đường làng phong quang, giao thông an toàn”. MTTQ tỉnh Hậu Giang thì phối hợp cùng các tổ chức thành viên triển khai xây dựng mô hình “Tổ tự quản”, “Đoạn đường văn hóa an toàn”. MTTQ tỉnh Thái Bình xây dựng các phong trào tự quản, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng các tuyến đường, đoạn đường tự quản. Tính đến nay toàn tỉnh có trên 810 tổ tự quản về ATGT, đa số hoạt động tích cực và hiệu quả.  Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, mục đích cuối cùng của tuyên truyền là phải tạo được thói quen tham gia giao thông an toàn của người dân. Cần tận dụng sức mạnh của truyền thông cơ sở và có những chiến dịch tuyên truyền cụ thể, gắn với hướng dẫn và tư vấn cho người dân. Các hoạt động ký cam kết đảm bảo ATGT ở khu dân cư, gia đình là rất cần thiết nhưng cần gắn với biểu dương, phê bình… Sắp tới, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tổ chức hai chiến dịch lớn tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và phòng chống uống rượu bia khi tham gia giao thông. MTTQ Việt Nam cần tích cực tham gia chiến dịch này.
Hà Anh
Theo Phó chủ tịch Thường trực MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên, Ủy viên Ủy ban ATGT quốc gia, hiện nay  tại một số địa phương việc tuyên truyền tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Trung ương tới cơ sở chưa kịp thời, hiệu quả còn thấp; phát động nhưng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả tổ chức thực hiện.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)