Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều nạn nhân dính bẫy lừa đảo của người nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều vụ lừa đảo, lợi dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện đang khiến cơ quan tố tụng "đau đầu" tìm người phiên dịch, gặp các đối tượng chây lỳ, quyết không khai nhận thân.

Nhiều nạn nhân dính bẫy lừa đảo của người nước ngoài
Ông Đoàn Tạ Cửu Long – Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM phát biểu tại hội thảo – Ảnh: T.T

Ngày 20-6, Viện KSND TP. HCM tổ chức hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài tại TP.HCM.

Nhiều chiêu lừa đảo

Báo cáo của Viện KSND TP.HCM cho thấy trong 3 năm qua, cơ quan này đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra tổng cộng 108 vụ án với 146 bị can của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau về các tội: giết người, trộm cắp,  lừa đảo  chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản…

Theo Viện KSND TP. HCM, nhiều vụ án do người nước ngoài, các tổ chức tội phạm ở nước ngoài điều hành, thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản với trị giá đặc biệt lớn liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua điện thoại, thuê người Việt Nam mở tài khoản ATM tại các ngân hàng và giao thẻ này cho các đối tượng sử dụng vào việc chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt được.

Một số đối tượng còn mạo danh cán bộ của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thoại cho người bị hại để đe dọa tài sản mà họ đang có liên quan rửa tiền, mua bán ma túy, buôn lậu… đề nghị chuyển tiền vào các tài khoản ATM do đối tượng chỉ định để cơ quan chức năng kiểm tra, nếu không liên quan sẽ trả lại.

Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng lừa đảo rút hết tiền hoặc chuyển ngay qua một tài khoản khác để đối tượng chủ mưu, cầm đầu rút tiền tại nước ngoài.

Nhiều đối tượng người nước ngoài đã thông qua mạng xã hội hoặc các website kết bạn để dụ dỗ, làm quen những phụ nữ có nhu cầu kết bạn với người nước ngoài rồi lừa đảo họ bằng thủ đoạn hứa tặng quà có giá trị hoặc chuyển hàng về Việt Nam kinh doanh, nhờ người bị hại nhận giúp.

Khi người bị hại nhận lời, đối tượng lừa đảo tự tạo ra hàng loạt thông tin, sự kiện giả về việc đã gửi quà nhưng phát sinh các loại thuế, lệ phí, tiền phạt đề nghị bị hại tạm ứng để nhận quà, hàng hóa.

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng lừa đảo chỉ định mà không được nhận quà, nhận hàng các bị hại mới biết bị lừa và đến cơ quan công an tố cáo.

Viện KSND TP.HCM khuyến cáo còn có tình trạng người nước ngoài làm quen với trẻ em qua mạng xã hội, tạo dựng quan hệ tình cảm, khi nhập cảnh vào Việt Nam đã tìm gặp để thực hiện hành vi giao cấu… 

Nhiều nạn nhân dính bẫy lừa đảo của người nước ngoài
Một nhóm lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ gần đây – Ảnh: C.A.

Phụ thuộc vào người phiên dịch

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ – phó trưởng phòng 2 Viện KSND TP. HCM cho biết khó khăn lớn nhất trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài là vấn đề rào cản ngôn ngữ.

Có nhiều vụ án cơ quan tố tụng đã vô cùng vất vả, tốn kém thời gian và kinh phí để mời người phiên dịch.

Điển hình là vụ cướp giật tài sản do Fiyoj Merhraban (Quốc tịch Iran) thực hiện. Do không tìm được người phiên dịch, cơ quan tố tụng đã phải trưng cầu phiên dịch từ Đại sứ quán Iran từ Hà Nội vào TP.HCM để phiên dịch buổi làm việc với bị can; dịch thuật kết luận điều tra, cáo trạng cũng như làm phiên dịch tại phiên tòa.

Ngoài chi phí tốn kém về ăn ở, phương tiện đi lại theo yêu cầu từ phía người phiên dịch, vụ án còn bị kéo dài do phụ thuộc vào việc bố trí lịch làm việc của người phiên dịch.

Theo Đại tá Phạm Ngọc Tiến – trưởng phòng PA72, Công an TP.HCM, hiện công an TP đang thụ lý nhiều vụ án do người nước ngoài thực hiện nhưng có đối tượng chây lỳ không chịu khai thông tin về nhân thân nên công an không thể nào kiểm tra được.

Khắc phục khó khăn nêu trên, Viện KSND TP.HCM đề xuất các cơ quan tố tụng cần thống nhất về việc xác minh lý lịch, trích lục tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo là người nước ngoài thì không cần ủy thác tư pháp mà chỉ thông báo bằng văn bản cho Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước của bị can, bị cáo có quốc tịch biết.

Đồng thời, kiến nghị cho phép cơ quan tố tụng không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để chờ văn bản trả lời mới xét xử.

Đề nghị thành lập trung tâm dịch thuật phục vụ xét xử

Phó chánh toà hình sự TAND TP.HCM Vũ Thanh Lâm đề xuất cần sớm có quy định về trình tự thủ tục trưng cầu người phiên dịch.

Bên cạnh đó, cần thành lập trung tâm dịch thuật chuyên ngành pháp lý phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do người nước ngoài thực hiện.

Ông Lâm cũng kiến nghị Liên nghành tư pháp Trung ương nên sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất trong trường hợp không thể xác minh được thân nhân, lý lịch, tiền án tiền sự của người nước ngoài thì cần căn cứ và các chứng cứ đã thu thập được để xét xử.

 

TÂM LỤA/TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)