Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 2 ngày 7 và 8-10, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ ở hầu hết các kỳ hạn.

Trong ngày 7-10, Vietcombank giảm lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, mức cao nhất 6,8%/năm trước đó tại các kỳ hạn từ 24 – 60 tháng của ngân hàng này đã giảm còn 6,3%/năm; các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng cũng giảm từ 4,8%/năm đến 5,5%/năm xuống còn 4,5%/năm cho cả 2 kỳ hạn này; kỳ hạn 3 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm; còn các kỳ hạn từ 6 – 9 tháng, giảm từ 6,8%/năm xuống còn 5,5%/năm. Ngân hàng BIDV cũng điều chỉnh lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 2 tháng từ 5%/năm xuống còn 4,8%/năm; kỳ hạn từ 3 – 5 tháng giảm từ 5,75%/năm xuống còn 5,5%/năm; kỳ hạn 10 tháng đến dưới 12 tháng tại ngân hàng này cũng được giảm từ 6,8% – 6,9%/năm trước đây (tùy chi nhánh) xuống còn 6,5%/năm. Techcombank mặc dù đưa ra nhiều chương trình tiết kiệm tiền gửi nhưng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng từ 5,3% – 5,58%/năm, xuống còn 5,24 – 5,48%/năm; các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 5,78%/năm, xuống còn 5,63%/năm. Ngoài ra, các ngân hàng khác như MB, Vietinbank, ABBank… cũng đã điều chỉnh giảm từ 0,1% – 0,3%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Khảo sát tại một số ngân hàng nhỏ trên địa bàn TPHCM cho thấy, mặc dù các ngân hàng này vẫn đưa ra các chương trình khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng để thu hút tiền gửi nhưng mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 8%/năm trước đây cũng đã giảm xuống còn 7,3% – 7,5%/năm. Theo báo cáo mới nhất của NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 9-2013, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ đã giảm 0,5% – 1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

HẠNH NHUNG

(SGGP)

Bình luận (0)