Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhiều ngành đang “khát” nhân lực mà người học không biết

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ rõ phương thức ưu tiên xét tuyển để tăng lợi thế cạnh tranh là một trong những thông tin đáng chú ý được các chuyên gia đưa ra tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm học 2019-2020 diễn ra mới đây Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1).

Chuyên gia tư vấn hướng dẫn học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cách thức lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực

Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).

Tăng lợi thế cạnh tranh trong ưu tiên xét tuyển

Mùa tuyển sinh năm 2020, trước những biến động của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH đã tăng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển, bao gồm cả ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của từng trường.

Theo thông tin mới nhất, năm 2020, các trường ĐH thành viên của ĐHQG TP.HCM dành tới 20% chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển trong tổng số chỉ tiêu xét tuyển theo ngành/ nhóm ngành. Đối tượng ưu tiên xét tuyển của ĐHQG TP.HCM phải thỏa mãn tất cả các điều kiện sau: Tốt nghiệp THPT, là học sinh các trường THPT thuộc nhóm trường được quy định của ĐHQG TP.HCM; hạnh kiểm tốt trong 3 năm lớp 10, 11, 12; đạt kết quả xếp loại học sinh giỏi tối thiểu trong 5 học kỳ của 3 năm học lớp 10, 11, 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường, của tỉnh/thành được cử tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hay cuộc thi KHKT cấp quốc gia, đồng thời đạt kết quả xếp loại học tập trong 3 năm học THPT từ loại khá trở lên. Số nguyện vọng học sinh được đăng ký ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TP.HCM là tối đa 3 nguyện vọng vào 1 trường/khoa/phân hiệu, không giới hạn số trường. Học sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho hay, đối tượng ưu tiên xét tuyển đều là những học sinh giỏi. Do vậy, lợi thế cạnh tranh trong phương thức ưu tiên xét tuyển ngoài thành tích học tập còn thể hiện ở bài luận trong hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển. “Trong hồ sơ đăng ký, học sinh cần chỉ rõ, chi tiết thành tích của bản thân. Trong bài luận trình bày trên giấy A4, các em phải thể hiện rõ quan điểm của bản thân đối với ngành học, trường học mà mình có mong muốn được xét tuyển vào. Lý do chọn trường, chọn ngành, hiểu biết của bản thân đối với ngành học. Đặc biệt, phải nêu bật được mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp, đóng góp cho xã hội của bản thân”, ThS. Quán cho biết.

Ngoài ra, ThS. Quán cho biết thêm, nếu những học sinh có số điểm bằng nhau, học lực và thành tích tương đương nhau thì chính việc thể hiện quan điểm của bản thân thông qua bài luận lại trở thành “lợi thế lớn” để các em chinh phục nhà trường. Ngoài bài luận, một lưu ý nữa trong đăng ký ưu tiên xét tuyển để tăng khả năng cạnh tranh, theo ThS. Phùng Quán là nằm ở việc học sinh chọn lựa ngành học phù hợp. “Theo quan sát của chúng tôi, học sinh thường có xu hướng lựa chọn những ngành học hot, ngành học đang trở thành xu hướng như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, quan hệ quốc tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, báo chí – truyền thông… Do vậy, tỷ lệ chọi của những ngành học này trong phương thức ưu tiên xét tuyển cũng rất lớn. Trong khi đó, ở nhiều ngành học khác mà nguồn nhân lực đang rất cần như địa chất, toán, vật lý, hải dương học… thì lại nhận được rất ít sự quan tâm của học sinh”, ThS. Quán cho hay. Cũng theo ThS. Quán, để chọn được một ngành học phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu nhân lực của xã hội thì không thể dựa vào xu hướng mà học sinh cần phải tìm hiểu thật kỹ về nguồn nhân lực trong xã hội, về các ngành nghề đào tạo của từng trường. Việc chọn ngành học theo xu hướng, theo ngành hot không chỉ dễ bị trượt mà còn dẫn đến việc mất cân đối trong thị trường lao động sau này. “Các em phải tìm hiểu thật kỹ về những trường mà bản thân muốn đăng ký, cơ hội việc làm sau này đối với các ngành học. Ngân hàng cũng rất cần nhân lực địa chất trong kiểm tra, thẩm định các loại đá quý; vận tải, hàng không cũng rất cần nhân lực hải dương học, khí tượng học để quản lý không lưu, khí tượng thủy văn… Những kiến thức này học sinh thường vì chạy theo xu hướng ngành hot, trường hot mà quên đi”, ThS. Quán chỉ ra.

Học trường ngân hàng, ra trường không làm ngân hàng thì làm gì?

Trước băn khoăn này của nhiều em học sinh, ThS. Lương Thị Thu Thủy (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) giải đáp, đối với sinh viên theo học ngành tài chính ngân hàng, cơ hội việc làm không chỉ bó gọn trong lĩnh vực ngân hàng mà còn rộng mở ở nhiều lĩnh vực khác, như các bộ phận tài chính trong doanh nghiệp, công ty bảo hiểm, chứng khoán… “Học một ngành nhưng người học có thể làm được nhiều công việc khác nhau. Điều quan trọng là sự linh hoạt của bản thân người học để thích ứng với từng môi trường. Đặc biệt, khi theo học các chương trình liên kết quốc tế hay chương trình cử nhân song bằng, cơ hội việc làm của người học sẽ rộng mở hơn rất nhiều”, ThS. Thủy nói.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trao đổi với chuyên gia tư vấn về ngành nghề đào tạo hiện nay

Làm rõ hơn câu chuyện “học một ngành nhưng làm được nhiều nghề”, ThS. Trần Quang Sáu (Trưởng đại diện Trường ĐH UCN Đan Mạch) chia sẻ, hiện nay vào ĐH không còn là “con đường gập ghềnh” nữa mà trái lại rất dễ dàng. Thế nhưng, người học phải biết nhìn xa hơn về nghề mà mình làm trong tương lai để theo đuổi thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. “Định hướng theo học bất cứ ngành nào, trong môi trường nào các em cũng cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, xây dựng cho mình một lợi thế cạnh tranh thông qua việc trau dồi ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, nhìn nhận vấn đề”, ThS. Sáu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ThS. Lê Phan Quốc (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lại nhìn nhận, trước khi đăng ký vào một ngành học nào, học sinh không nên chỉ quan tâm đến cơ hội việc làm sau này mà trước hết cần phải hết sức cẩn trọng, quan tâm đến các tổ hợp, ngành, mã ngành, mã trường. “Nhiều ngành học, trường học có mã ngành, mã trường gần giống nhau. Vì vậy, các em nên tra cứu tại các trang website chính thống của các trường ĐH để có thông tin chính xác nhất”, ThS. Quốc lưu ý.

Riêng với những học sinh đăng ký theo học ngành sư phạm, ThS. Quốc lưu ý thêm, từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục sửa đổi được áp dụng, sinh viên theo học ngành sư phạm vẫn được miễn học phí. Tuy nhiên, song song với việc được miễn học phí, người học phải thực hiện đúng cam kết sau khi ra trường phải phục vụ trong ngành giáo dục, nếu không sẽ phải hoàn trả lại tiền học phí cho Nhà nước.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)