Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhiều ngành học “bỗng nhiên” không được tuyển khối B

Tạp Chí Giáo Dục

Lật cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009”, nhiều trường ĐH, CĐ giật mình khi phát hiện một loạt ngành bị Bộ GD-ĐT cắt không cho tuyển sinh khối B

> Đề thi ĐH có vượt ngoài chương trình sách giáo khoa?

> “Giải mã” các ngành Hoá học

Thí sinh khối B sẽ không có cơ hội học ngành CNTT?

Các mùa tuyển sinh trước đây, ngành Giáo dục tiểu học (hệ CĐ) của trường ĐH An Giang tuyển các khối A, B, C, D1, nhưng năm nay đã bị cắt mất khối B. 

Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cũng bị cắt tuyển sinh khối B với nhiều ngành như Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng. ĐH Văn Hiến nhiều ngành đào tạo cũng bị cắt phần tuyển sinh khối B…

Trường ĐH FPT 2 mùa tuyển sinh trước tuyển cả 3 khối A,B và D. Tuy nhiên năm 2009, Bộ GD-ĐT chỉ cho tuyển sinh khối A, D.
Theo lời một lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời báo Tuổi trẻ ngày 16/3, thì năm nay, “Bộ siết chặt lại khối tuyển vì đã phân khối thì khối thi phải đúng ngành”.
Bộ GD-ĐT cho rằng khối B chỉ dành cho nhóm ngành nông lâm ngư, y dược. Việc tuyển sinh đầu vào bằng khối B không ăn nhập gì với ngành giáo dục mầm non, tâm lý học, quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin (CNTT)…
Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng điều đáng nói ở đây, là trong suốt quá trình cung cấp dữ liệu tuyển sinh năm 2009 cho Bộ GD-ĐT, các trường không nhận được thông tin nào về chủ trương trên và chỉ đến khi cuốn “Những điều cần biết…” phát hành và báo chí lên tiếng thì sự việc này mới được phơi bày.
Bức xúc trước việc làm “bất ngờ” của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Phong – Phó hiệu trưởng trường ĐH FPT cho hay: “Chúng tôi cũng đã gửi công văn phản ánh với Bộ về điều này và chưa được trả lời. Theo quan điểm của Bộ thì những thí sinh, học sinh lựa chọn khối thi B (chẳng hạn học sinh chuyên Sinh) sẽ không bao giờ có cơ hội được theo học ngành CNTT?” 
Theo ông Phong, CNTT là một ngành kinh tế kỹ thuật, có độ phủ rất rộng trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Các kỹ sư CNTT khi ra trường sẽ làm việc ở trong rất nhiều những lĩnh vực khác nhau và đòi hỏi không chỉ có nghiệp vụ chuyên môn CNTT mà còn cần có những tư chất và hiểu biết nhất định liên quan đến các lĩnh vực khác.
Hơn thế nữa, một trong những lĩnh vực phát triển mạnh trong tương lai không xa của ngành CNTT chính là việc thiết kế và chế tạo các máy tính sinh học, các mạng tính toán dựa trên mạng nơ-ron thần kinh, các công nghệ vật liệu sinh học, các công nghệ phỏng sinh học, chế tạo rô bốt mô phỏng… Vậy mà ngành giáo dục Việt Nam lại cấm những em có năng lực khối B – trong đó có học sinh chuyên Sinh – học ngành CNTT?
Ông Phong đặt câu hỏi: Không rõ khi đưa ra quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành CNTT và hàng ngàn thí sinh, các chuyên gia của Bộ có tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT nào hay không? hay ít ra cũng có tiền lệ của những nước đi trước chúng ta trong việc phát triển CNTT và đào tạo nguồn nhân lực CNTT?
Bên cạnh đó, không rõ đã có luận chứng khoa học nào chứng minh cho việc thí sinh dự thi khối B thì không thể theo học được ngành CNTT, hay đây chỉ là quyết định cảm tính của các nhà quản lý?   
Hai trường đính chính thông tin tuyển sinh 
Cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009” tiếp tục phát sinh các lỗi như các ngành khác nhau nhưng lại có mã ngành giống nhau, chỉ tiêu ngành bị sai lệch…
Chiều ngày 18/3, ĐH Thái Nguyên đã có công văn xin đính chính một số sai sót như sau:
1. Mã ngành học Địa chính môi trường của Trường Đại học Nông Lâm in nhầm là 316, nay xin sửa lại là 318.
2. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh Đại học chính quy là 10.950, trong đó có 2.135 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng; chỉ tiêu Cao đẳng chính quy là 2.685, trong đó có 2.165 đào tạo theo địa chỉ sử dụng.
3. Tổng chỉ tiêu của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là 2.395, trong đó nhóm ngành Kỹ thuật điện tử (103) là 350. Tổng chỉ tiêu của trường Đại học Sư phạm là 1.540, trong đó ngành Sư phạm Lịch sử (602) là 130.
Trường CĐ Sư phạm TW Nha Trang cũng có công văn yêu cầu Vụ ĐH điều chỉnh thông tin. Cụ thể mã ngành Việt Nam học là 06 (trong cẩm nang là 01 trùng với mã ngành Giáo dục Mầm non); Ngành Đồ hoạ mã ngành là 07 ( trong cẩm nang là 02 trùng với mã ngành Sư phạm âm nhạc); Ngành Quản trị văn phòng mã ngành là 08 (trong cẩm nang là 03 trùng với mã ngành Sư phạm Mĩ thuật).
Nguyễn Hùng (Dan tri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)