Đây là thông tin mà các chuyên gia lưu ý học sinh nhằm tránh chọn nhầm ngành trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra tại Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11) mới đây.
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Trần Quang Khải
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Phải hiểu rõ ngành học
Trong danh mục ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH, CĐ hiện nay, nhiều ngành nghề có tên gọi tương đồng nhưng thực tế lĩnh vực đào tạo lại khác nhau. Điều này khiến các em học sinh lo lắng vì rất dễ nhầm lẫn. Một học sinh đặt câu hỏi: “Em thích lĩnh vực kinh doanh nhưng không biết ngành kinh doanh quốc tế và ngành quản trị kinh doanh khác nhau như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, hai ngành này đều thuộc nhóm ngành kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, ngành kinh doanh quốc tế là công việc giao dịch giữa các quốc gia với nhau nhằm mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế. Sinh viên học ngành kinh doanh quốc tế được cung cấp những kiến thức như đầu tư quốc tế, logistics, vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, marketing quốc tế, hoạch định chiến lược kinh doanh quốc tế… Để làm tốt ngành này, người học phải giỏi kỹ năng tiếng Anh. Trong khi đó, ngành quản trị kinh doanh hoạt động trong nước nhằm duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc tạo ra hệ thống, quy trình, tối đa hóa năng suất và hiệu suất, bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý để quản lý hoạt động kinh doanh. “Nhu cầu lao động hiện nay có sự biến động và thanh lọc. Có những sinh viên học năm 2, năm 3 đã tìm được việc làm nhưng cũng có những em thất nghiệp. Tất cả đều do năng lực của người học. Những em biết tạo ra giá trị cho bản thân, có kiến thức, kỹ năng tạo ra lợi ích cho công ty, doanh nghiệp sẽ được săn đón, ngược lại sẽ bị đào thải”, ThS. Thạch nhận định.
Một học sinh Trường THPT Trần Quang Khải nhờ chuyên gia giải đáp thắc mắc
Tương tự, em Lâm Thư (học lớp 12A5) thắc mắc: “Em thích học luật nhưng không biết nên chọn Luật Kinh doanh hay Luật Kinh tế? Cơ hội việc làm của hai ngành này ra sao?”. Với câu hỏi này, ThS. Lê Ngọc Diễm (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay, trong khối ngành luật có nhiều ngành khác nhau. Trong đó, Luật Kinh doanh còn được gọi là Luật Thương mại quốc tế. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo những kiến thức về luật hợp đồng thương mại quốc tế, Luật Thương mại quốc tế, tư pháp quốc tế, Luật Hàng hải, kỹ năng giải quyết nghiệp vụ thuế, Luật Quốc tế, Tố tụng, Luật Lao động… Còn Luật Kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý kinh tế của Nhà nước và trong quá trình sản xuất giữa các chủ thể kinh doanh với nhau. Với những ngành học về luật, sinh viên ra trường có thể làm việc ở các tòa án, viện kiểm sát, hải quan, doanh nghiệp… “Năm 2023, Trường ĐH Luật TP.HCM tuyển sinh nhiều ngành, trong đó có ngành luật; Luật Thương mại quốc tế; quản trị luật… Tùy vào nhu cầu, học sinh có thể lựa chọn ngành học mà mình mong muốn. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn các em nên tìm hiểu thật kỹ ngành học vì mỗi ngành có chương trình đào tạo khác nhau, nếu không cân nhắc sẽ dễ nhầm lẫn”, ThS. Diễm lưu ý.
Ngành khác chuyên ngành
Để các em học sinh hiểu rõ về ngành học và chuyên ngành, TS. Trần Anh Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến) cho biết, ngành khác với chuyên ngành. Theo đó, ngành là tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn về một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định. Còn chuyên ngành được hiểu là một phần kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu có tính độc lập trong một ngành. Cụ thể, trong ngành Đông phương học có 2 chuyên ngành là: Nhật Bản học và Hàn Quốc học. Ngành Nhật Bản học đào tạo sinh viên kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ của nước Nhật; còn ngành Hàn Quốc học đào tạo văn hóa, ngôn ngữ nước Hàn. Ngoài văn hóa, ngôn ngữ, sinh viên còn được học những kỹ năng mềm để phục vụ cho nghề nghiệp, hướng đến sự thành công. “Năm 2023, Trường ĐH Văn Hiến có quỹ học bổng khoảng 30 tỷ cho sinh viên. Do đó, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tài chính vẫn có cơ hội học tập tại trường. Nhà trường cam kết không để sinh viên phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn”, TS. Dũng khẳng định.
Chuyên gia tư vấn thêm cho các em học sinh sau chương trình
Em Kim Huệ (học lớp 12A1) hỏi: “Ngành quản trị marketing là gì? Học ngành này có cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Võ Thành Danh (Trường ĐH Greenwich Việt Nam) cho hay, quản trị marketing là chuyên ngành của quản trị kinh doanh. Trường ĐH Greenwich Việt Nam đào tạo sinh viên 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu, các em được học chương trình tiếng Anh dự bị (nếu chưa có chứng chỉ IELTS quy định); giai đoạn 2, các em chọn chuyên ngành học với 9 học kỳ (1 học kỳ 4 tháng). Đến năm 3, các em sẽ có chương trình thực tập, kiến tập và làm việc ở nước ngoài, chi phí được tài trợ 100%. “Marketing là hoạt động quảng cáo, cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp. Quản trị marketing là việc phân tích, lên chiến lược, thực hiện, theo dõi, đánh giá dự án marketing. Nhờ có quản trị mà marketing được thực hiện theo quy trình bài bản, chuyên nghiệp và dễ dàng quản lý hơn. Để có cơ hội việc làm tốt, ngoài kiến thức, kỹ năng, sinh viên cần trang bị ngoại ngữ, tin học và có trải nghiệm thực tế”, ông Danh lưu ý.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)