Dù dự kiến điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) chạm đáy điểm sàn nhưng nhiều trường có thế mạnh về đào tạo nhóm ngành cơ khí nông lâm, kỹ thuật lẫn các trường đào tạo những ngành nghề có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Đáng nói hơn, có ngành không có thí sinh đạt đủ điểm sàn và nhiều trường đang điêu đứng khan hiếm người học.
Nhiều chỉ tiêu, hiếm người đậu
Là một tỉnh khó khăn với nhiều dự án khu công nghiệp, đang được đầu tư và rất cần nguồn nhân lực có trình độ nhưng kết quả tuyển sinh vài năm nay đây khiến tỉnh Trà Vinh không khỏi lo lắng. Trường ĐH Trà Vinh năm nay chỉ tiêu đến 2.200 cho 23 ngành hệ ĐH nhưng kết quả thi chỉ có hơn 600 thí sinh trúng tuyển NV1 (nếu lấy mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn thấp nhất năm 2011 là 13 điểm).
Vẫn còn nhiều sinh viên ngại học những ngành kỹ thuật vì sợ cực nhọc.
Ở ngành sư phạm đào tạo giáo viên cho tỉnh nhà, ngành sư phạm Ngữ văn tuyển 2 khối C và D1 nhưng chỉ có 14 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Những ngành đang rất cần nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như ngành Nuôi trồng thủy sản (tuyển 2 khối A, B), ngành Công nghệ thông tin (khối A) và ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (khối A) lại không có thí sinh nào trúng tuyển. Ngành Nông nghiệp chỉ có 1 thí sinh đạt 13 điểm. Trong khi đó, những ngành này trong năm 2012 cần tuyển đến vài trăm chỉ tiêu. Ngay cả ngành được xem là cứu cánh để nuôi những ngành khó tuyển như ngành Quản trị kinh doanh cũng chỉ có 22 thí sinh đạt được 13 điểm.
Nhiều ngành của Trường ĐH Đồng Tháp cũng trong cảnh chỉ tiêu hàng trăm nhưng số thí sinh trúng tuyển chỉ vài ba thí sinh. Ngành Quản lý giáo dục tuyển đến 3 khối A, A1 và khối C nhưng có đúng 3 thí sinh đạt từ mức điểm sàn trở lên. Đáng nói hơn, ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp dù nhu cầu lao động rất lớn nhưng chỉ có 6 thí sinh dự thi và kết quả không thí sinh nào đạt 13 điểm, ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp chỉ có 1 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Và thực tế này Hội đồng tuyển sinh nhà trường đang đối diện với thực tế phải ngưng mở lớp như năm 2010 và 2011 vì không có người học.
Là trường đào tạo một số ngành có ý nghĩa quan trọng cho toàn khu vực Tây Nguyên nhưng điểm thi của ĐH Tây Nguyên (Đắc Lắc) cũng khiến nhiều nhà quản lý chột dạ. Ở ngành Khoa học cây trồng chỉ có 8 thí sinh đạt 14 điểm trở lên, ngành Bảo vệ thực vật chỉ có 2 thí sinh đạt 14 điểm trở lên, ngành Lâm sinh cũng chỉ có 5 thí sinh đạt 14 điểm. Ở ngành Công nghệ thông tin chỉ có 13 thí sinh đạt 13 điểm trở lên, ngành Công nghệ sau thu hoạch chỉ có 8 thí sinh đạt bằng mức từ 13 điểm trở lên. Trong khi đó, chỉ tiêu cho mỗi ngành cần khoảng trên 50 chỉ tiêu.
Trong khi đó, ĐH Thái Nguyên đảm nhận vai trò đào tạo nhân lực cho khu vực miền núi phía Bắc nhưng nhiều ngành kỹ thuật, cơ khí nông lâm cũng tiếp tục ảm đạm khi thí sinh trúng tuyển nhiều ngành chỉ từ 1 – 10 thí sinh. Tương tự, những ngành như Công nghiệp điện tử – truyền thông, Công nghệ kỹ thuật cơ khí… của các Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Cần Thơ cũng chỉ có mười mấy thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM năm nay dù thí sinh dự thi tăng nhưng nhóm ngành cơ khí nông lâm cũng không thể khởi sắc hơn. Nếu lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn năm 2011 (khối A: 13 điểm) thi ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí và ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô mỗi ngành chỉ có 6 thí sinh trúng tuyển, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có 8 thí sinh đạt 13 điểm trở lên, ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt chỉ có 3 thí sinh đạt được 13 điểm.
Nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực
Trái với cảnh tuyển sinh ảm đạm, thực tế nhu cầu tuyển dụng ngoài xã hội đối với những ngành nghề trên lại trở nên khá sôi động với cung không đủ cầu. Thậm chí sinh viên khi chưa ra trường đã có đơn đặt hàng, thực tập cũng được doanh nghiệp trả lương.
Theo khảo sát từ năm 2010 đến nay của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong nhóm 10 ngành nghề có nhu lao động cao từ nay đến 2015 và đến 2020 là ngành cơ khí – luyện kim – công nghệ ô tô xe máy; hóa chất – y dược – mỹ phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin – điện – điện tử viễn thông; xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải… Với dự báo này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm trên cho rằng: “Vấn đề nghịch lý là hiện nay đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển”.
Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ, tỷ lệ qua đào tạo ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên thành 50% (tăng 34,5%); ngành công nghiệp từ 78% lên thành 92% (tăng 14%), ngành xây dựng tăng từ 41% lên thành 56% (tăng 15%) và ngành dịch vụ từ 67% lên thành 88% (tăng 21%). Như vậy, rõ ràng chiến lược mà Chính phủ đưa ra đã chú trọng đẩy mạnh nguồn nhân lực ở nhóm ngành nông, lâm ngư nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại đáng báo động khi sinh viên theo học ngành này khá thấp và vẫn đang hiện diện cảnh doanh nghiệp hụt hơi tìm người còn cơ sở đào tạo lại thiếu người để đào tạo.
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này thuộc về đơn vị đào tạo hay do xã hội? PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ: “Những ngành như cơ khí nông lâm, điều khiển tự động, công nghệ nhiệt lạnh ít thí sinh đăng ký học là một phần do các em ngại cực khổ, nghĩ rằng điều kiện và môi trường làm việc không tốt, nặng nhọc và nghe không sang”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sinh viên của trường này đang học năm thứ 3 ở những ngành kể trên đã có đơn vị đặt hàng trước, thực tập cũng được trả lương và nhiều em tốt nghiệp ra trường thu nhập rất cao.
Trong khi đó, phân tích nguyên nhân sâu xa, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, ngoài vấn đề chính sách, chương trình đào tạo thì có lỗ hổng ở công tác hướng nghiệp. Công tác hướng nghiệp hiện nay chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế không chú trọng vào những ngành then chốt sẽ dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực trong tương lai. Và một nước đang trong giai đoạn phát triển thành nước công nghiệp thì nhu cầu về nguồn nhân lực ở các ngành kỹ thuật, cơ khí chế tạo, các ngành sản xuất chế biến là rất lớn và đây được xem là khâu then chốt cho sự phát triển của ngành công nghiệp.
Thanh Hùng (SGGP)
Bình luận (0)