Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều ngành học sau ĐH không thể mở lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Thực trạng này là do quá ít người học và có nguy cơ dừng tuyển sinh.

Năm 2013, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chính thức dừng tuyển sinh ngành khoa học đất trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Theo tiến sĩ Bùi Ngọc Hùng, Trưởng phòng Sau ĐH, nhiều năm qua ngành này không tuyển sinh được. Ngành chế biến lâm sản cũng trong tình trạng tương tự.

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ có 7 thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển cao học vào ngành tiếng Pháp. Tiến sĩ Hồ Sỹ Quyết, Phó trưởng phòng Sau ĐH, cho hay: “Ngành này, trường chỉ xác định 10 chỉ tiêu nhưng số người nộp hồ sơ dự tuyển những năm gần đây luôn không đủ. Năm 2011 và 2012, trường đã không thể mở lớp ngành này”. Cũng theo tiến sĩ Quyết, ngành ngôn ngữ học, lý luận văn học, lịch sử… cũng khá “kén” người học.

Việc tuyển sinh đào tạo tiến sĩ còn khó khăn hơn nhiều. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM được giao đào tạo 7 ngành nhưng mỗi năm chỉ tuyển được từ 10 đến 15 nghiên cứu sinh. Theo số liệu thống kê, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm 2010 chỉ có 14/42 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ tuyển sinh được. Đến năm 2012, trường quy hoạch thành 27 ngành. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Trung Chơn, Trưởng phòng Sau ĐH, tình hình tuyển sinh 3 năm qua cũng không thay đổi. Các ngành như địa chất, trắc địa bản đồ… số lượng người học ngày càng giảm dần, có những khóa không tuyển được nghiên cứu sinh nào.

Lý giải việc khó tuyển sinh, tiến sĩ Bùi Ngọc Hùng và Hồ Sỹ Quyết cho rằng do các ngành quá đặc thù, ngoài ra một số ngành ngay cả bậc ĐH cũng không thu hút được sinh viên nên kéo theo hạn chế đầu vào ở bậc sau ĐH. Trong khi đó tiến sĩ Lê Trung Chơn cho rằng, lý do quan trọng hơn chính là người học chưa có được một môi trường tốt để theo đuổi việc học. Ông Chơn nhìn nhận: “Thực tế, người muốn theo học sau ĐH là những người trẻ nhưng lại chưa có điều kiện kinh tế và thời gian”. Cũng theo ông Chơn, những người có nhu cầu và điều kiện sẽ chọn việc học sau ĐH ở nước ngoài. Còn những người chọn học trong nước đa số vì không thể gác công việc để tập trung hoàn toàn cho việc học. Trong khi từ năm 2012 trường chỉ đào tạo tiến sĩ tập trung nên đây cũng là rào cản rất lớn với học viên.

Theo Hà Ánh (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)