Chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc thời gian xét tuyển NV2 vào các trường ĐH-CĐ. Tuy vậy, nhiều ngành có chỉ tiêu khá lớn nhưng lượng hồ sơ xét tuyển còn ít. Do đó, cơ hội trúng tuyển vào những ngành học này là rất lớn.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Hiện nhiều ngành của trường này có hồ sơ khá ít so với chỉ tiêu – Ảnh: Như Hùng |
Ông Cổ Tấn Anh Vũ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết đến thời điểm này trường nhận được hơn 1.500 hồ sơ, nhưng mới chỉ một vài ngành như điện công nghiệp, xây dựng công trình thủy có hồ sơ bằng chỉ tiêu. Hầu hết các ngành còn lại vẫn chưa đủ hồ sơ.
Đặc biệt một số ngành như thiết bị năng lượng tàu thủy có chưa tới mười hồ sơ, cơ giới hóa xếp dỡ, máy xây dựng, thiết kế thân tàu thủy, máy tàu thủy… lượng hồ sơ mới bằng 50% chỉ tiêu. “Với lượng hồ sơ này, nhiều khả năng hầu hết các ngành sẽ có điểm chuẩn NV2 bằng điểm sàn NV2” – ông Vũ nói thêm.
TS Phạm Tấn Hạ – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) – cho biết chưa năm nào trường nhận được ít hồ sơ xét tuyển NV2 như năm nay. Đặc biệt năm nay lượng hồ sơ từ khu vực phía Bắc nộp vào rất ít trong khi những năm trước khá nhiều. Với lượng hồ sơ này, tuy có thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đủ sinh viên để mở lớp do đã có thí sinh trúng tuyển NV1. Tuy vậy, nhiều khả năng điểm chuẩn NV2 chỉ bằng điểm sàn NV2 của trường.
|
Nhiều ngành chỉ có một hồ sơ
Tương tự tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tuy nhận được hơn 1.400 hồ sơ nhưng chỉ một số ngành như điện tử truyền thông, chế tạo máy, kỹ thuật công nghiệp có lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu, hầu hết các ngành còn lại đều có hồ sơ rất ít.
Trong đó ngành điện – điện tử mới chỉ có ba hồ sơ, cơ khí hai hồ sơ, ôtô 22 hồ sơ, công nghệ thông tin một hồ sơ, công nghệ may tám hồ sơ, kỹ thuật xây dựng một hồ sơ… Những ngành sư phạm kỹ thuật có khá hơn nhưng cũng mới đạt 50% chỉ tiêu cần tuyển.
Đáng ngại nhất là ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 180 hồ sơ xét tuyển NV2. Trong đó nhiều ngành như văn hóa học, ngữ văn Anh mới chỉ có một hồ sơ. Các ngành còn lại cũng chỉ có vài hồ sơ. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tình cảnh cũng tương tự. Bậc ĐH có 400 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này mới có trên 130 hồ sơ. Các ngành văn hóa dân tộc thiểu số; bảo tàng, văn hóa học mới có vài hồ sơ/ngành.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuy nhận được hơn 910 hồ sơ nhưng chỉ một vài ngành như tâm lý giáo dục, quản lý giáo dục, tiếng Nhật có hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu. Các ngành còn lại đều có lượng hồ sơ thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển. Như ngành tiếng Pháp, tiếng Trung chỉ có trên dưới 10 hồ sơ.
Tình trạng hồ sơ phân bố không đồng đều cũng xảy ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Tuy nhận được 690 hồ sơ (nhiều hơn tổng chỉ tiêu cần tuyển) nhưng có đến 50% số hồ sơ nộp vào ngành luật thương mại. Trong khi các ngành luật quốc tế, quản trị kinh doanh, quản trị luật hồ sơ vẫn còn ít hơn chỉ tiêu cần tuyển.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bội thu hồ sơ khi hầu hết các ngành bậc ĐH đều có hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu 2-6 lần. Riêng hai ngành công nghệ thông tin và chế tạo máy có hồ sơ ít hơn chỉ tiêu khá nhiều.
Ông Huỳnh Tổ Hạp – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn – cho biết tuy nhận được hơn 12.000 hồ sơ nhưng tập trung chủ yếu vào bậc CĐ, bậc ĐH hồ sơ không nhiều. Do điểm sàn NV2 khá cao nên có thể điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn NV2.
Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hầu hết các ngành ĐH có lượng hồ sơ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, kể cả các ngành kinh tế. Trong số này, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ còn nhiều chỉ tiêu nhất. Cụ thể khoa học máy tính 31 hồ sơ/120 chỉ tiêu, kỹ thuật công trình xây dựng 25/60, kỹ thuật điện – điện tử 126/210, quy hoạch vùng và đô thị 37/70, kế toán 68/110, quản trị kinh doanh 41/90, xã hội học 48/90, tiếng Trung 9/70…
ĐH địa phương “khát” hồ sơ
So với các trường tại TP.HCM thì các ĐH vùng, ĐH địa phương còn “khát” thí sinh hơn. Rất nhiều ngành mới chỉ có vài hồ sơ. Do đó chỉ cần bằng điểm sàn xét tuyển, cơ hội trúng tuyển của thí sinh khi xét tuyển vào những ngành này là rất lớn. Tương tự các trường tại TP.HCM, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ và xã hội nhân văn ở các trường địa phương có lượng hồ sơ khá ít. Đặc biệt một số ngành sư phạm vẫn đang “ế” hồ sơ.
Tại Trường ĐH Quy Nhơn, hồ sơ vào nhiều ngành mới đạt khoảng 20% chỉ tiêu cần tuyển. Trong đó, ngành công nghệ thông tin 10/40, vật lý 19/60, điện tử truyền thông 15/70, sư phạm tin học 10/50, địa lý tự nhiên 12/40, kỹ thuật hóa học 17/40, nông học 17/45.
Trường ĐH Nha Trang mới nhận được khoảng 1.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu NV2 là 1.800. Ngoại trừ các ngành công nghệ thực phẩm, kế toán, các ngành cơ khí tuyển 120 chỉ tiêu nhưng mới có 27 hồ sơ, công nghệ thông tin 23/100, cơ điện tử 4/80, điện – điện tử 5/100, nhóm ngành hàng hải 6/60, kỹ thuật tàu thủy 12/140, hệ thống thông tin quản lý 8/70, quản trị kinh doanh 95/200…
Trong khi đó cửa vào Trường ĐH Đà Lạt còn rộng mở hơn khi lượng hồ sơ nhiều ngành mới đếm được trên đầu ngón tay. Ngành toán học 18/110, công nghệ thông tin 30/135, vật lý 5/70, điện tử truyền thông 10/125, hóa học 14/90, sinh học 40/80, công nghệ sinh học 14/40, quản trị kinh doanh 37/80, lịch sử 7/140, văn học 11/130, công nghệ sau thu hoạch 7/75, xã hội học 2/90, công tác xã hội 5/100…
Ở các ĐH vùng như Huế và Đà Nẵng, tuy lượng hồ sơ có nhiều hơn nhưng cũng chỉ tập trung vào một số ngành, nhất là kinh tế, sư phạm. Trong khi đó rất nhiều ngành vẫn đang thiếu hồ sơ trầm trọng. Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ngành Việt Nam học mới chỉ có bốn hồ sơ trong khi chỉ tiêu cần tuyển là 28, ngành văn hóa học mới có 3/46 chỉ tiêu, sư phạm giáo dục chính trị 4/46.
Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), các ngành còn thiếu chỉ tiêu tập trung vào các ngành ngoại ngữ trong khi các ngành xã hội khác đã có lượng hồ sơ tương đối đủ so với chỉ tiêu. Trong đó ngành tiếng Thái Lan 14/34, tiếng Nga 15/29. Phân hiệu tại Kon Tum của ĐH Đà Nẵng cũng còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu cả hai bậc ĐH và CĐ.
Tại ĐH Huế, ngành sư phạm tiếng Pháp chỉ có 11/27, Việt Nam học 7/27, song ngữ Nga – Anh 8/25, tiếng Pháp 2/17, công nghiệp và công trình nông thôn 15/40, cơ khí bảo quản chế biến nông sản thực phẩm 12/40, nông học 21/37, khoa học đất 23/28, sư phạm tin học 75/105, tâm lý giáo dục 4/42, giáo dục chính trị 35/88, cử nhân toán học 25/46, tin học 79/161, vật lý 28/60, toán tin ứng dụng 11/45, địa chất học 11/50, văn học 41/75, lịch sử 8/87, xã hội học 14/48, ngôn ngữ học 8/42, Đông phương học 12/57. Các ngành liên kết với ĐH Phú Yên mới chỉ có 1-2 hồ sơ/ngành.
Theo MINH GIẢNG
(TTO)
Bình luận (0)