Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều nghề hot dành cho học sinh tốt nghiệp THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những năm qua, học nghề luôn là một trong những ngã rẽ được học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn do có nhiều lợi thế nhất định.

Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp rất lớn.

Nhiều ngành tốt nghiệp là có việc làm

Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Học nghề là một hướng đi phù hợp với những học sinh (HS) có học lực trung bình không thể theo đuổi con đường học tập văn hóa, hoặc điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần sớm có việc làm để phụ giúp gia đình”.

Theo tiến sĩ Vân, hiện có rất nhiều ngành nghề phù hợp với lứa tuổi 15, 16. “Tại Trường CĐ Công nghệ TP.HCM có 4 nghề được HS tốt nghiệp THCS đăng ký nhiều nhất là điện – điện tử, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ và may thời trang. Đây đều là những ngành nghề mà doanh nghiệp rất cần, tốt nghiệp là có việc làm ngay”, bà Vân thông tin thêm.

Nhiều nghề hot dành cho học sinh tốt nghiệp THCS - ảnh 1

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề thiết kế đồ họa. QUANG LINH

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cũng cho hay: “Có nhiều ngành “hot” mà HS tốt nghiệp THCS có thể đăng ký như hàng không, hàn, cắt gọt kim loại CNC, logistics, cơ điện tử… Ngay từ năm 2 các em đã có thu nhập khi vừa học, vừa làm tại doanh nghiệp liên kết với trường”.

Trong khi đó, tại Trường CĐ Viễn Đông, Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, những ngành thu hút HS tốt nghiệp THCS là cơ khí ô tô, điện công nghiệp và dân dụng, tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, thiết kế đồ họa, kế toán…

“Những ngành nghề này đều mang yếu tố thực hành cao nên các em rất hứng thú. Học xong lại dễ dàng có việc làm ngay”, thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, chia sẻ. Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng cho hay những ngành nghề mà các trường thiết kế cho HS tốt nghiệp THCS thường không cần học quá nhiều lý thuyết, không cần trình độ tính toán cao và khối lượng kiến thức tập trung chủ yếu ở thực hành kỹ năng. Vì vậy, những HS không có thế mạnh về các môn văn hóa hoàn toàn có thể theo học.

Sau 5 năm rưỡi là có bằng ĐH

Theo tiến sĩ Lộc, HS tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn 2 chương trình tại trường nghề. Chương trình thứ nhất là vừa học nghề vừa học 4 – 5 môn văn hóa tùy vào ngành học cụ thể. Sau 2 năm rưỡi đến 3 năm, người học sẽ được nhận bằng trung cấp đồng thời được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT để học liên thông lên CĐ. Chương trình thứ hai là vừa học nghề vừa học 7 môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên. Sau khi hoàn thành chương trình, HS vừa có bằng trung cấp, vừa có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và khi có bằng tốt nghiệp, người học có thể liên thông lên trình độ ĐH. “Nếu đi con đường này, các em sẽ mất khoảng 3 năm để lấy bằng trung cấp, 4 năm để lấy bằng CĐ và 5 năm rưỡi để lấy bằng ĐH. Chi phí học tập cũng thấp do bậc trung cấp các em được hưởng chính sách miễn hoàn toàn học phí”, tiến sĩ Lộc chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường nhấn mạnh: “Các em có thể học trung cấp xong đi làm ngay để phụ giúp gia đình, hoặc liên thông lên CĐ xong đi làm. Nếu em nào có khả năng và mong muốn lấy bằng ĐH, các em vẫn có thể tiếp tục liên thông. Từ khi bắt đầu học tới lúc nhận bằng ĐH, các em chỉ mất 5 năm rưỡi, trong khi nếu các em chọn con đường học THPT và ĐH thì phải mất 7 năm mới có bằng ĐH”.

Cần chuẩn bị tâm lý

Các chuyên gia nhìn nhận lứa tuổi 15, 16 được xem là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên nếu phụ huynh quyết định cho con học nghề thì phải chuẩn bị tâm lý cho con. “Đang ở môi trường học phổ thông, các em chuyển sang một môi trường hoàn toàn mới, nhiều thử thách hơn trong học tập, sinh hoạt, ứng xử, trải nghiệm. Vì thế, cha mẹ cần phân tích, định hướng để con xác định học nghề là một con đường phù hợp với bản thân, cùng con tìm hiểu lựa chọn ngành nghề, động viên và chia sẻ nếu con gặp phải khó khăn”, tiến sĩ Vân nhận định.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc cho rằng tuổi này phải “vừa dạy vừa dỗ”, phải áp dụng mô hình quản lý học sinh phổ thông mới phù hợp. “Chúng tôi vẫn tổ chức theo hình thức mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm, hằng tuần có giờ sinh hoạt, kết nối thường xuyên với phụ huynh để thông báo tình hình học tập. Giáo viên chủ nhiệm cũng quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, nắm bắt tâm tư tình cảm của các em”, tiến sĩ Lộc cho biết.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)