Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều người nghèo chưa tham gia bảo hiểm y tế

Tạp Chí Giáo Dục

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1-1-2015 không còn BHYT tự nguyện mà bắt buộc phải tham gia BHYT hộ gia đình. Đến nay, số người tham gia BHYT chỉ mới đạt khoảng 1/9 dân số, riêng TPHCM mới khoảng 4,3 triệu người tham gia. Nhiều người nghèo vẫn chưa tham gia BHYT.

Việc BHYT đã thực hiện khám thông tuyến, giúp người bệnh thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh

Chưa lo phòng bệnh vì nặng nợ cơm áo

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ đối với những người lao động tự do như lượm ve chai, bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm, bán hàng rong… Được hỏi về việc có mua BHYT không, qua 25 người chúng tôi khảo sát, chỉ có 1 người đã mua BHYT theo hộ gia đình, 1 người chuẩn bị về quê mua vì có người nhà đang bị bệnh, còn lại 23 người đều lắc đầu cho biết không tham gia BHYT, dù biết là cần có BHYT để phòng khi bệnh phải điều trị đỡ tốn kém, nhưng kiếm tiền gian nan nên không thể đóng BHYT.

Chị Hồ Thị Ninh (quê Nghệ An), vào TPHCM bán trái cây dạo cho biết: “Lâu nay gia đình tôi ở quê chỉ cho tụi nhỏ tham gia BHYT, mua tại nhà trường, còn 8 người lớn thì chưa mua, mà chắc không mua luôn cô ạ. Khi nào đau ốm thì tính, chứ mỗi năm cả nhà lo mấy triệu bạc đóng BHYT không nổi, ở quê số tiền đó là cả gia tài chứ ít gì!”. Anh Vũ Văn Đại (quê Bắc Ninh) chưa chịu khó tìm hiểu các quy định về BHYT nên tỏ ra không kỳ vọng vào việc được BHYT, nói: “Chúng tôi khỏe thì kiếm sống ở đây, nếu lỡ đau ốm không còn sức lao động thì trở về quê, nên không mua BHYT ở đây, vì có khi về quê không sử dụng được, hoặc mua ở quê mà bệnh viện trong này người ta từ chối thì uổng phí”.

Vẫn biết với ưu đãi mua BHYT theo hộ gia đình thì người dân tiết kiệm được một khoản tiền, nhưng số tiền chi ban đầu khá lớn đối với thu nhập của người lao động, nhất là lao động tự do hiện nay. Hơn nữa, chủ yếu người lao động tự do vào TPHCM làm việc sống nay đây mai đó, không có hộ khẩu, giấy tạm trú chỉ là giấy xác nhận tạm thời để chủ nhà đăng ký với phường, chứ không đăng ký theo diện tạm trú dài hạn (KT3). Vì vậy việc mua BHYT đối với người nhập cư lao động tự do gặp phải khó khăn khi phải phụ thuộc vào chủ nhà và những người tạm trú tại cùng một địa chỉ. Chị Nguyễn Thu Huệ (bán bánh mì tại cổng bệnh viện Từ Dũ, quê ở Nam Định) cười buồn: “Tôi vào đây bán bánh mì kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày, dành dụm gửi về quê giúp gia đình, không có dư để mua BHYT. Với người nhập cư chúng tôi, BHYT như tấm bùa hộ mệnh, nhưng bây giờ muốn mua BHYT cũng không đơn giản, vì trường  hợp tạm trú theo phòng trọ, thì toàn bộ thành viên trong nhà trọ phải tham gia BHYT, mà đâu dễ để tất cả mọi người ở chung nhà trọ đều có tiền đóng BHYT. Chỉ có cách trở về quê mua BHYT, mà phải cả nhà cùng mua mới được, nên mất nhiều tiền quá, do vậy cũng không thể mua được”.

Gỡ khó cho người nghèo

Ngày 10-6-2016, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 1018/TTg-KGVX về việc tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Về mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân tích cực tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhằm đẩy nhanh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Để hướng tới BHYT toàn dân, cần thực thi khẩn trương các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1018/TTg-KGVX.

Về việc người lao động nhập cư có tâm lý e ngại mua BHYT ở quê không thể khám được ở TPHCM, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết: “Hàng ngày Bệnh viện Quận 2 tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân khám BHYT mà nơi đăng ký ban đầu là ở các tỉnh khác. Từ ngày 1-1-2016, việc BHYT đã thực hiện khám thông tuyến, giúp người bệnh thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân chưa nắm được quy định này nên còn e ngại khi tham gia BHYT tại nơi không phải nơi thường trú, nhất là những người từ địa phương khác tới TPHCM làm việc”.

Khoản 6 Điều 11 Chương IV Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 16-11-2015 về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã quy định: “Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác, thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương, người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu”.

THU HƯỜNG (SGGP)

 

Bình luận (0)