Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, để xảy ra tình trạng các trường hợp bị ngộ độc rượu chứa methanol vượt ngưỡng quy định vừa qua, có phần do lơi lỏng công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng, mà đầu tiên là lực lượng Quản lý thị trường.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị công an Hà Nội khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, truy tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bởi theo ông Chung, đây là vụ việc nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm như trước đây từng khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối vợi vụ ngộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội” khiến 10 người người nhập viện, 4 người tử vong.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng này, lỗi trước tiên thuộc về Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng các quận huyện đã lơi lỏng công tác thanh tra, kiểm tra sau Tết. Lãnh đạo thành phố đề nghị Chi cục quản lý thị trường và các quận, huyện tăng cường kiểm tra để xử lý, không để tiếp tục xảy ra tình trạng này.
Rút giấy phép nếu vi phạm đạo đức kinh doanh
Liên quan đến việc quản lý chợ truyền thống, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các quận, huyện sẽ sớm rà soát và bố trí kinh phí sửa chữa, kịp hoàn thành trong năm nay: “Hà Nội quản lý chợ xanh và dứt khoát không để tồn tại chợ cóc trên địa bàn. Để làm được việc này, chúng ta cần đồng hành tuyên truyền, vận động người dân không mua thực phẩm từ chợ cóc, kết hợp với kế hoạch bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè, không vì lợi ích của một nhóm người mà gây hậu quả lớn cho xã hội", ông Chung nói.
Trước tình trạng mới có 24,5% cơ sở kinh doanh thực phẩm được cấp phép, ông Chung yêu cầu các sở ngành cần kiểm tra, hướng dẫn cấp phép với các cơ sở đủ điều kiện. Những cơ sở không đủ điều kiện phải dừng hoạt động, công bố công khai để người dân biết và giám sát. Cùng đó, cần phố biến kiến thức cơ bản nhất để người dân phát hiện các thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền để chuyển biến nhận thức cho người dân. Áp dụng các công nghệ để người dân tiếp cận được các địa điểm cung cấp thực phẩm sạch. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm cần phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. "Chúng ta phải kiên quyết rút giấy phép, kể cả rút giấy phép vĩnh viễn, nhất là với các trường hợp vi phạm đạo đức kinh doanh. Trong quản lý các chợ, cần tăng cường rà soát, kiên quyết đóng cửa các quầy hàng, các chợ không bảo đảm môi trường vẫn kinh doanh sản phẩm tươi sống… Những việc này phải được triển khai kiên quyết, đưa vào kế hoạch hàng năm và cuối năm có kiểm điểm từng việc một", ông Hải nhấn mạnh.
Tú Anh (TPO)
Bình luận (0)