Việt Nam hiện có đến hơn 30 triệu đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội gồm người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, cận nghèo, người nghiện ma túy, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, xâm hại… Do vậy, việc củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội là điều cần thiết và cấp bách.
Nội dung trên được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nghề công tác xã hội Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực hành” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 23-3.
Theo thông tin được nêu ra tại hội thảo, hiện nay, khoảng 20% dân số nước ta cần được cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trong đó, có khoảng 9,2 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 5% hộ nghèo trên cả nước; 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa; khoảng 30 ngàn nạn nhân bạo lực, bạo hành trong gia đình… Ngoài ra, nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại và hiện lang thang kiếm sống trên đường phố cũng rất cần đến sự trợ giúp từ hoạt động của những người làm nghề công tác xã hội.
Các bộ ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đã và đang từng bước đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực. Hiện có khoảng 50 trường ĐH-CĐ trên toàn quốc đang đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội.
Trong tham luận, TS. Nguyễn Hải Hữu (Chủ tịch Hội Đào tạo công tác xã hội Việt Nam) cũng chỉ ra, ở nước ta, đối tượng tiềm năng phục vụ của dịch vụ công tác xã hội rất lớn, khoảng 25% dân số. Hằng năm, khoảng 7-8% dân số có nhu cầu tiếp cận dịch vụ công tác xã hội hằng năm. Việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội tuy đã có khởi đầu tốt, ít nhất là đã có 29 nhóm dịch vụ công tác xã hội khác nhau trên các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp và các lĩnh vực khác nhưng còn tản mạn, quy mô nhỏ, chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân do số lượng người và cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ít, lại chưa được đào tạo bài bản về công tác xã hội.
Mặt khác, cơ chế, chính sách về phát triển dịch vụ công tác xã hội chưa hoàn thiện. Do đó, cần ban hành Luật Công tác xã hội; xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác xã hội; điều kiện hành nghề, điều kiện hình thành tổ chức cung cấp dịch vụ; vai trò các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ; xác định rõ vị trí việc làm của nhân viên công tác xã hội trong các lĩnh vực chủ yếu và bảng lương nhân viên công tác xã hội; đào tạo phát triển nguồn nhân lực và quy định tiêu chuẩn nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp.
Còn tham luận của TS. Lê Thị Hoàng Liễu (Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội – nhân văn Trường ĐH Thủ Dầu Một) cho thấy, qua khảo sát 200 người bệnh mãn tính không lây tại Bệnh viện Bình Chánh (TP.HCM) năm 2018, có đến 87% cho rằng công tác xã hội trong bệnh viện cần kết nối công tác xã hội trong cộng đồng để hỗ trợ người bệnh điều trị nội, ngoại trú. Việc kết nối này sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh và cho mạng lưới y tế tại địa phương trong hỗ trợ quản lý theo dõi người bệnh, hạn chế di chứng, biến chứng bệnh tật, cải thiện chất lượng đời sống cho người bệnh, giảm gánh nặng chi phí bệnh tật cho gia đình xã hội.
Cùng nhìn nhận việc phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam cần được đẩy mạnh, các chuyên gia, nhà giáo dục… đã trao đổi nhiều giải pháp và sáng kiến xây dựng các lý thuyết, thực hành phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội… của nước ta.
M.Tâm
Bình luận (0)