Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều nguồn ô nhiễm bủa vây TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Sở TN-MT, rất nhiều loại ô nhiễm hiện nay đang “bủa vây” TP. Trong đó tình trạng về ô nhiễm rác thải là một vấn đề nóng.

Nhiều nguồn ô nhiễm bủa vây TP.HCM
Xe chở rác trên Quốc lộ 50 trước khi vận chuyển rác đến khu liên hiệp xử lý rác thải Đa Phước – Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Ngày 14-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp nghe Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) báo cáo về các nguồn ô nhiễm trên địa bàn TP và những giải pháp xử lý.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, rất nhiều loại ô nhiễm hiện nay đang “bủa vây” TP. Trong đó tình trạng về ô nhiễm rác thải là một vấn đề nóng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP có thời điểm lên đến 8.000 m3/ngày.

Khoảng 76% trong số đó được chôn lấp, 14,7% được sử dụng tái chế, làm phân compost, số lượng ít còn lại đốt phát điện.

Hiện trên địa bàn TP có hai khu xử lý là khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) và khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Một số bãi chôn lấp rác đã ngừng tiếp nhận nhưng chưa hoàn thành đóng bãi chôn lấp như bãi chôn lấp số 1, 1A ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi; bãi Gò Cát ở quận Bình Tân làm nước rỉ rác phát tán mùi hôi.

Tuy lượng rác lớn nhưng các trạm trung chuyển rác hiện nay vừa thiếu, vừa hoạt động không đạt yêu cầu. Bà Mỹ cho biết trong tổng số 31 trạm trung chuyển rác hiện nay chỉ có 5 trạm đạt chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo đang hoạt động và 13 trạm hoạt động tạm.

Với lượng rác phát sinh thêm 5%/năm, bà Mỹ đề xuất TP cần quan tâm để kêu gọi công nghệ xử lý phù hợp với thực tiễn, tiến tới giảm dần chôn lấp.

Đại diện Sở Tài chính cho rằng cần rà soát quy trình đưa rác về các trạm trung chuyển. Hiện nay có quá nhiều điểm tập kết rác nên việc đưa rác về các trạm cũng tạo ra ô nhiễm mùi hôi, tiếng ồn dọc đường đi.

“Vì vậy thay vì đưa về trạm thì cần đưa thẳng về nơi thu gom để xử lý” – đại diện Sở Tài chính đề xuất.

Đặc biệt, bà Mỹ đề nghị TP cần quan tâm triển khai hiệu quả phân loại rác tại nguồn. Hiện nay TP chỉ làm thí điểm một số khu vực nhưng kêu gọi người dân là chính, chứ chưa có các biện pháp chế tài.

“Rác cho dù đốt, chôn hay xử lý bằng phương pháp nào… vẫn cần phải phân loại” – bà Mỹ nêu. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhất trí với quan điểm này.

Trao đổi với báo chí liên quan đến mùi hôi phát sinh tại khu vực Nam Sài Gòn thời gian qua, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở TN-MT, cho biết dự kiến đầu tuần sau UBND TP sẽ thông qua báo cáo của Sở TN-MT về vấn đề này.

Ô nhiễm không khí và nước thải công nghiệp

Sở TN-MT cho biết trên địa bàn TP hiện có nhiều loại ô nhiễm khác như nhiều cơ sở phát sinh nước thải công nghiệp xen cài trong khu dân cư. Chất lượng nước mặt kênh rạch nội thành bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh còn ở mức cao.

Nhiều khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, thải trực tiếp ra môi trường.

Trong khi đó theo quy hoạch, trên địa bàn TP có tới 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng hiện chỉ có Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng công suất 141.000 m3/ngày.

Tình hình ô nhiễm không khí cũng đang là vấn đề nhức nhối ở TP. Trong 830 nguồn thải công nghiệp có 30% nguồn thải chưa có hệ thống xử lý khí thải.

 

QUANG KHẢI – MAI HƯƠNG/TTO

 

 

 

Bình luận (0)