Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều nhà khoa học đăng bài báo quốc tế không ghi nơi mình làm việc: Quỹ Nafosted sẽ quy định về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo các cơ quan chức năng, cái khó trong việc chấn chỉnh tình trạng nhà khoa học tùy tiện ghi địa chỉ làm việc trên công trình khoa học là chưa có bất kỳ quy định nào của nhà nước liên quan. Tuy nhiên Quỹ Nafosted sẽ quy định về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu.

Ngày càng nhiều nhà khoa học đăng bài báo quốc tế không ghi nơi mình làm việc

Vì thế, việc xử lý tùy thuộc vào nhận thức, quan điểm của những người có trách nhiệm.
Cơ quan chủ trì nói gì ?

Trong số những đề tài Nafosted đã được nghiệm thu khi chủ nhiệm đề tài “đổi” địa chỉ làm việc, có một đề tài lĩnh vực kinh tế của tiến sĩ N.K.D, mã số 502.01-2019.05. Khi đề tài được duyệt tài trợ, đơn vị chủ trì là Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhưng cả hai bài báo dùng để nghiệm thu với Quỹ Nafosted đều ghi địa chỉ làm việc là Trường ĐH D.T. Đồng tác giả 2 bài báo mà tiến sĩ N.K.D ghi lời cảm ơn Quỹ Nafosted là PGS Nguyễn Đức Thành, cựu Viện trưởng Viện VEPR.

Về việc trên, Báo Thanh Niên gửi email cho lãnh đạo Viện VEPR một số câu hỏi như: Thực chất tiến sĩ N.K.D làm việc ở đâu? Nếu không phải là cán bộ hay cộng tác viên của VEPR, tại sao VEPR lại đứng ra đăng ký chủ trì đề tài do tiến sĩ N.K.D làm chủ nhiệm? Nếu tiến sĩ N.K.D là cán bộ hoặc cộng tác viên của VEPR, lãnh đạo VEPR có biết việc tiến sĩ N.K.D ghi địa chỉ làm việc của mình là cơ quan khác không? Nếu biết, tại sao lãnh đạo VEPR lại chấp nhận việc này? Trả lời Báo Thanh Niên, PGS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện VEPR, viết: “Đề tài đã được thực hiện theo đúng các quy định quản lý khoa học của các cơ quan liên quan. Đề tài cũng đã được Quỹ Nafosted nghiệm thu chuyên môn và thanh quyết toán”.

PGS Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN (VAST), dành cả tiếng đồng hồ để chia sẻ những khó khăn trong việc yêu cầu cán bộ của viện thực hiện liêm chính khoa học khi mà từ “các cấp cao” chưa có bất kỳ quy định nào về việc này. Hơn nữa, môi trường khoa học là môi trường đặc thù, đề cao ý thức tự tôn, lòng tự trọng của nhà khoa học, khó sử dụng các biện pháp hành chính trong khi thiếu môi trường pháp lý.

Còn Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN (VASS), PGS Bùi Nhật Quang thì thẳng thắn chia sẻ mỗi đơn vị trong VASS đều có định mức rất rõ để đánh giá cán bộ nghiên cứu, giảng viên, trong các tiêu chí đánh giá đó nhìn chung không có yêu cầu “cứng” về công bố quốc tế. Việc để cho cán bộ đăng ký nhận tài trợ của Quỹ Nafosted với tư cách cán bộ của VASS, nhưng công trình dùng để nghiệm thu lại ghi địa chỉ cơ quan khác, PGS Quang nói: “Cái này là còn tùy thuộc vào việc cam kết của chủ nhiệm đề tài với Quỹ Nafosted. Theo tôi hiểu khi nghiệm thu, quỹ không đòi hỏi phải ghi địa chỉ người chủ trì đề tài trên sản phẩm là ở đâu, miễn là trong bài ghi là đề tài nhận tài trợ của quỹ”.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết cách đây 2 – 3 năm, trường có một cán bộ được Nafosted tài trợ nhưng bài báo nghiệm thu ghi tên đơn vị khác. Đề tài không được nghiệm thu, sau đó vị cán bộ này không còn được nhận bất kỳ tài trợ nào của Nafosted cũng như của trường.

Quỹ Nafosted sẽ quy định về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu  - ảnh 1

Đề nghị dừng tài trợ các trường hợp này

Từ phía các hội đồng (HĐ) ngành của Quỹ Nafosted, mỗi HĐ cũng phản ứng một cách khác nhau.

PGS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐ ngành kinh tế, cho biết với những đề tài đã nghiệm thu, ông không nhận được phản ánh nào về việc khi đăng ký thì cơ quan chủ trì là đơn vị A, trên bài báo ghi địa chỉ của chủ nhiệm đề tài là đơn vị B. HĐ nghiệm thu trên cơ sở chất lượng bài báo, và chiểu theo các quy định của quỹ. Khi Báo Thanh Niên nêu cụ thể trường hợp đề tài 502.01-2019.05 của tiến sĩ N.K.D ở Viện VEPR, PGS Sơn từ chối trả lời và đề nghị báo chuyển câu hỏi tới Ban điều hành quỹ, HĐ kinh tế sẽ có trách nhiệm trả lời ban điều hành. “HĐ có nhiệm vụ tư vấn cho quỹ. Còn quyết định cuối cùng là do quỹ, không phải do HĐ”, PGS Sơn nói.

GS Phùng Hồ Hải, thành viên HĐ toán học, cho biết cá nhân ông phản đối nghiệm thu đề tài của những nhà khoa học này. Quỹ Nafosted thay mặt nhà nước phân bổ kinh phí tài trợ nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học. Việc của HĐ chuyên môn là xếp hạng các đề tài, phân bổ kinh phí theo các mức dựa trên số lượng và chất lượng công bố khoa học là để đảm bảo công bằng nhưng không cào bằng trong việc tài trợ nhằm tạo điều kiện cũng như động viên các nhà khoa học thực hiện những nghiên cứu có giá trị hơn. Việc một số nhà khoa học ghi địa chỉ làm việc thiếu trung thực đang gây mất niềm tin của những người dân đóng thuế cho ngân sách tới cộng đồng khoa học. Quỹ và HĐ không có quyền hạn lên án hay kỷ luật họ, nhưng có trách nhiệm phân bổ tiền nhà nước một cách hợp lý.

“Tôi xin nhấn mạnh, ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân, là để hỗ trợ nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, xây dựng nền nghiên cứu thực chất, chứ không phải để “mua” lời cảm ơn. Do đó tôi đã đề nghị Quỹ Nafosted dừng tài trợ các trường hợp như Báo Thanh Niên đã nêu nếu phát hiện được”, GS Hải chia sẻ.

Một số cơ quan chủ trì làm chưa đúng trách nhiệm

Còn theo GS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch HĐ ngành vật lý, trong các đơn vị giúp việc cho Nafosted, HĐ vật lý đã phải “tiên phong” xử lý các trường hợp nhà khoa học khi đăng ký đề tài với quỹ với tên của họ và tên cơ quan chủ trì là những trường ĐH hoặc viện cụ thể, nhưng một số bài báo dùng để nghiệm thu lại không đề tên cơ quan chủ trì đăng ký ban đầu. “Đồng thời với việc đề nghị quỹ thẩm định nhân thân nhà khoa học, chúng tôi tư vấn quỹ nhắc nhở các trường, viện việc quản lý các đề tài và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ ở đơn vị mình”, GS Đức cho biết.

Theo GS Đức, HĐ vật lý đều thống nhất quan điểm, nhà khoa học khi công bố công trình thì phải ghi kèm địa chỉ nơi mình làm việc, nếu hợp tác với đơn vị khác thì đó phải là địa chỉ tiếp theo. Hơn thế, khi quỹ đã cấp ngân sách kèm theo tên một đơn vị chủ trì cụ thể thì càng phải thực hiện nghiêm túc việc ghi địa chỉ này.

GS Đức nhận xét: “Chúng tôi thấy ở đây có sự chưa chuẩn mực trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số đơn vị. Anh đã thay mặt quỹ làm đơn vị chủ trì của các đề tài nhưng anh để cho cán bộ công bố những bài báo mà anh không quản lý gì hết”.

GS Đức cũng cho biết trong thời gian vừa qua, khi xem xét tài trợ cho đề tài mới, HĐ vật lý chưa áp dụng “chế tài” với những đơn vị từng có biểu hiện lỏng lẻo trong quản lý hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học. Nhưng với cá nhân các nhà khoa học, nếu trước đó đã có hành vi phi liêm chính khoa học thì quỹ không đưa vào diện ưu tiên tài trợ.

Theo tiến sĩ Phạm Đình Nguyên, Phó giám đốc phụ trách điều hành Quỹ Nafosted, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của quỹ là yêu cầu các nhà khoa học được quỹ tài trợ phải đảm bảo liêm chính học thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện tại quỹ chưa có quy định nào. Vì vậy, việc xem xét, xử lý với những biểu hiện có nghi ngờ phi liêm chính khoa học phụ thuộc vào đề xuất của từng HĐ ngành.

“Quỹ đang tham khảo ý kiến của cộng đồng khoa học để ban hành quy định về liêm chính học thuật, đạo đức nghiên cứu. Rất mừng là Bộ GD-ĐT cũng như thành viên các HĐ khoa học đều ủng hộ. Bộ GD-ĐT và Bộ KH-CN sẽ sớm đồng hành cùng quỹ theo hướng đó. Khi có quy định rồi thì một số trường hợp cá biệt có ý kiến khác cũng phải chấp hành theo quy định chung”, ông Nguyên nói.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)