TP.HCM đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, TP đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Để làm được việc này, ngành văn hóa TP đã và đang tập trung vào 8 ngành với những nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Tập trung 8 ngành
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP.HCM đã lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, TP.HCM đang tập trung vào nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về cơ chế, chính sách, tiếp tục tham mưu các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong ban hành và thực thi. Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của TP các khu đất có quy mô lớn để phát triển các thiết chế văn hóa, phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa…
“TP đang thực hiện công tác quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của TP.HCM, tổ chức triển khai kêu gọi đầu tư đối với danh mục dự án được phê duyệt”, bà Thúy chia sẻ.
Ngoài ra, TP cũng đang đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của khu vực. Hình thành các sự kiện lớn mang thương hiệu đặc trưng của TP và hình thành thương hiệu quốc gia. Có thể kể như Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, Liên hoan phim quốc tế; Lễ hội Áo dài, Liên hoan Ẩm thực quốc tế… cùng các sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật truyền thống, dân gian, làng nghề; lễ hội nghệ thuật đường phố…
Cùng với đó, TP đầu tư thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm sáng tạo nhằm kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và các hoạt động. Đây là nơi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành các ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM.
Phát triển từng lĩnh vực
TP.HCM hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp toàn thành. Những doanh nghiệp này hoạt động với nhiều lĩnh vực. Dựa vào đó, TP.HCM đã đặt ra từng nhóm nhiệm vụ cụ thể cho 8 ngành công nghiệp văn hóa được chọn để triển khai thực hiện.
Đối với ngành điện ảnh tập trung hỗ trợ phát triển các dự án phim có tính đặc trưng văn hóa của TP. Ngành nghệ thuật biểu diễn đẩy mạnh tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật ASEAN, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật với các địa phương và các quốc gia; xây dựng các mô hình nghệ thuật truyền thống; xây dựng các chương trình nghệ thuật đường phố. Ngành mỹ thuật tăng cường công tác quảng bá, phổ biến các sản phẩm mỹ thuật của TP.
Ngành thời trang tập trung thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang, thiết kế, các ý tưởng sáng tạo đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết nối cung cầu, đẩy mạnh đưa sản phẩm thời trang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Ngành nhiếp ảnh đẩy mạnh xây dựng ngân hàng ảnh nghệ thuật, các bộ sưu tập hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; tổ chức liên hoan ảnh nghệ thuật, phối hợp tổ chức liên hoan sáng tác, tác phẩm nhiếp ảnh khu vực, ASEAN và quốc tế…
Ngành triển lãm thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số, phát triển các ứng dụng số. Ngành quảng cáo ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2030, xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo, xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo, liên kết tổ chức các cuộc thi quảng cáo quốc tế; thiết kế sản phẩm quảng cáo hiện đại; xây dựng TP.HCM thành trung tâm “Quảng cáo điện tử”.
Thúy Kiều
Bình luận (0)