Với lý do khó khăn về điều kiện dạy học, sở GD – ĐT nhiều tỉnh cho phép học sinh chọn môn lịch sử thay cho tiếng Anh để dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
Đây là năm thứ 2 Bộ GD – ĐT cho phép học sinh được chọn môn khác thay thế môn tiếng Anh khi dự thi tốt nghiệp THPT với điều kiện thí sinh không học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học. Vận dụng việc này, nhiều tỉnh cho phép học sinh chọn môn khác để dự thi nhằm nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp. Mỗi nơi vận dụng theo một cách khác nhau.
Hơn 50% học sinh chọn thi môn sử
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Hậu Giang phấn đấu nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên 90% (năm ngoái là 89%). Theo đó, Sở GD – ĐT cho phép 55% học sinh được thi môn thay thế là lịch sử. Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết những học sinh thi môn thay thế đều ở các trường vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học tiếng Anh nên nhiều em bị mất căn bản.
Học sinh làm bài thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – TPHCM
Ông Nhiên bộc bạch: “Kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái, mặc dù được Bộ GD – ĐT cho phép thi môn thay thế nhưng sở vẫn để cho học sinh thi môn tiếng Anh. Chính điều này mà phụ huynh đã phàn nàn kết quả thi của con em mình thấp”. Kết quả thi tốt nghiệp năm ngoái ở tỉnh này chỉ có khoảng 31% học sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn tiếng Anh.
Với tỉnh Cà Mau, mặc dù đạt trên 98% học sinh có điểm thi môn tiếng Anh trung bình trở lên ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái nhưng năm nay lại có đến 1.145 học sinh xin được thi môn thay thế (chiếm gần 15,7% tổng số học sinh dự thi). Ông Võ Đình Nuôi, Trưởng Phòng Khảo thí Sở GD – ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết do các trường vùng xa không có điều kiện dạy học tốt môn tiếng Anh nên xin phép sở cho học sinh được thi môn thay thế.
Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Đồng Tháp, cho rằng nếu cứ thay thế môn tiếng Anh hoài sẽ làm mất đi động lực học của học sinh. Tuy nhiên, năm nay, 4 trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh này vẫn xin cho học sinh được chọn môn thay thế vì những trường này đều thiếu giáo viên tiếng Anh. Nhiều học sinh được học tiếng Anh ở cấp THCS nhưng khi lên THPT lại không được học ở lớp 10.
Năm ngoái, tỉnh có 690 học sinh lựa chọn môn vật lý thay cho tiếng Anh thì năm nay có 715 học sinh chọn môn thay thế là lịch sử. Tỉnh Bình Phước năm nay có 500 học sinh trong tổng số 9.190 học sinh chọn môn thi khác thay thế cho môn tiếng Anh.
Chấp nhận tỉ lệ không… “đẹp”
Trong khi đó, tại tỉnh An Giang, năm ngoái có khoảng 50% học sinh chọn môn thay thế thì năm nay chỉ còn 20% (2.500 học sinh). Giải thích cho điều này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh An Giang, cho rằng mặc dù nhiều học sinh ở vùng biên giới của tỉnh không có điều kiện học tiếng Anh nhưng so giữa môn vật lý và môn lịch sử thì môn lịch sử học vất vả hơn. Đó cũng là lý do số học sinh chọn môn thay thế cho tiếng Anh năm nay sụt giảm. “Có lẽ kết quả tốt nghiệp năm nay tỉ lệ học sinh đạt từ trung bình trở lên môn tiếng Anh sẽ thấp hơn năm ngoái. Sở chỉ dám phấn đấu đạt 60% trong khi năm 2010 đã đạt 67%”– ông Bình dự đoán.
Còn ở tỉnh Ninh Thuận, tỉ lệ tốt nghiệp năm ngoái khá thấp (đứng thứ 61/63 tỉnh, thành), trong đó môn tiếng Anh gần 60% học sinh không đạt điểm trung bình trở lên. Thế nhưng cả hai năm liền, học sinh toàn tỉnh này đều không thi môn thay thế. Ông Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho rằng tất cả học trò ở tỉnh đều bảo đảm đủ điều kiện học tiếng Anh từ lớp 6 vì thế không cần phải thi môn thay thế.
Cũng có tỉ lệ học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2010 thấp nhưng tỉnh Đắk Nông tỏ ra “dè dặt” khi cho phép học sinh được thi môn thay thế. Năm nay, sở chỉ cho phép 64 học sinh ở 4 trường chọn môn lịch sử thay cho tiếng Anh dự thi tốt nghiệp THPT.
Cùng một quy định của Bộ GD – ĐT nhưng có thể thấy những tỉnh cũng có nhiều trường, nhiều học sinh không có điều kiện dạy và học tiếng Anh lại chọn thi môn tiếng Anh, trong khi nhiều tỉnh khác lại chọn môn lịch sử. Vì vậy, tiêu chí “thí sinh không học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học” sẽ được phép chọn môn thay thế được nhiều người cho rằng có vẻ rất mơ hồ. Điều này khó tránh khỏi việc nhiều nơi “chạy” theo tỉ lệ tốt nghiệp mà chọn môn “dễ chơi” hơn cho học sinh của mình dự thi tốt nghiệp THPT.
“Né” nhưng kết quả vẫn thấp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, nhiều tỉnh cố “né” môn tiếng Anh nhưng kết quả số bài thi tiếng Anh còn lại của học sinh cũng chỉ từ 30% – 40% đạt trung bình trở lên. Cụ thể: Đồng Tháp, Sóc Trăng gần 40%; Vĩnh Long là 38,6%; Bến Tre khoảng 36%. Cũng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Sở GD – ĐT tỉnh Gia Lai ban đầu ái ngại hai môn địa lý và lịch sử nhưng kết quả thấp nhất trong 6 môn lại là tiếng Anh (46,64%) trong khi môn sử lại đạt 75,12%.
|
Bài và ảnh: MINH QUYÊN / NLĐ
Bình luận (0)