Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nhiều nước không cho trẻ em học thêm

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện dạy thêm, học thêm không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà có ở nhiều quốc gia khác. Chính phủ Singapore đã sớm áp dụng những thay đổi trong hệ thống thi cử và đánh giá học sinh. Phần Lan áp dụng phương pháp giáo dục ít áp lực, quan tâm đến từng học sinh để trẻ em không cần học thêm cho chương trình cơ bản.

Vào cuối học kỳ tại Trường Tổng hợp Kirkkojarvi ở Espoo, một giáo viên kỳ cựu và là hiệu trưởng của trường, quyết định thử làm điều có vẻ cực đoan, theo tiêu chuẩn của Phần Lan. Besart Kabashi, một trong những học sinh lớp 6 của ông là cậu bé người Kosovo gốc Albania, không theo kịp các bạn trong lớp, dù các giáo viên đã rất nỗ lực với cậu. Đội ngũ các nhà giáo dục đặc biệt của trường, gồm một nhân viên xã hội, một y tá và một nhà tâm lý học, nói với Louhivuori rằng nguyên nhân không phải do cậu bé lười biếng. Vì vậy, ông quyết định giữ cậu bé lại một năm, một biện pháp hiếm thấy ở Phần Lan và gần như đã lỗi thời.

“Năm đó tôi đã nhận Besart làm học trò riêng của mình”, Louhivuori nhớ lại. Khi Besart không học khoa học, địa lý và toán học, ông để cậu ấy ngồi hàng trước trong lớp học dành cho học sinh 9 và 10 tuổi của ông, mở từng cuốn sách trên chồng cao ngất. Đến cuối năm đó, cậu bé đã chinh phục được ngôn ngữ giàu nguyên âm của đất nước tiếp nhận mình. Vài năm sau, Besart, 20 tuổi, gặp lại thầy Louhivuori tại một bữa tiệc Giáng sinh. “Thầy đã giúp em có được ngày nay”, cậu nói với giáo viên cũ của mình.

Câu chuyện về cậu bé tị nạn này nói lên một trong những lý do làm nên thành công đáng kinh ngạc của quốc gia Bắc Âu nhỏ bé, khiến cả các nhà giáo dục ở Mỹ phải ghen tị. “Phải làm gì cũng được” là quan điểm thúc đẩy không chỉ 30 giáo viên trong trường Kirkkojarvi mà hầu hết 62.000 nhà giáo dục Phần Lan tại 3.500 trường học từ Lapland đến Turku. Họ là những chuyên gia giáo dục được chọn từ 10% sinh viên tốt nghiệp hàng đầu cả nước để học bằng thạc sĩ giáo dục theo tiêu chuẩn. Các trường học đủ nhỏ để giáo viên biết rõ từng học sinh. Nếu một phương pháp không thành công, giáo viên sẽ tham khảo ý kiến đồng nghiệp để thử phương pháp khác. Gần 30% trẻ em Phần Lan nhận được sự giúp đỡ đặc biệt nào đó trong 9 năm đầu tiên đi học.
Nhiều nước không cho trẻ em học thêm ảnh 1
Gần 30% trẻ em Phần Lan nhận được sự giúp đỡ đặc biệt nào đó trong 9 năm đầu tiên đi học Ảnh: finland.fi

Không có bài kiểm tra tiêu chuẩn bắt buộc nào ở Phần Lan, ngoại trừ một kỳ thi vào cuối năm học cuối bậc trung học. Không có thứ hạng, không có sự so sánh hay cạnh tranh giữa học sinh, trường học hay khu vực. Trẻ em Phần Lan có cơ hội nhận được nền giáo dục có chất lượng như nhau, bất kể trẻ sống ở nông thôn hay thành phố. Theo cuộc khảo sát gần đây nhất của OECD, khoảng cách trình độ giữa học sinh yếu nhất và học sinh giỏi nhất ở Phần Lan là nhỏ nhất trên thế giới.

Giáo viên Phần Lan dành nhiều thời gian cho việc xây dựng chương trình giảng dạy và đánh giá học sinh của mình. Trẻ em dành nhiều thời gian hơn để chơi bên ngoài, kể cả trong mùa đông lạnh giá. Bài tập về nhà là tối thiểu. “Chúng tôi không cần vội vàng. Trẻ em học tốt hơn khi chúng sẵn sàng. Tại sao lại làm chúng căng thẳng?”, thầy Louhivuori nói.

Nỗ lực của Singapore

Gần đây, một cuộc “đại tu” được thực hiện đối với kỳ thi tốt nghiệp tiểu học Singapore nhằm giảm bớt sự khác biệt về cơ hội học tập lên kết quả học tập của trẻ em. Một hệ thống cấm sử dụng kết quả của kỳ thi này đã được đề xuất. Bên cạnh đó, Singapore thay đổi phương pháp tuyển sinh trực tiếp vào các trường trung học, tuyển sinh dựa trên năng khiếu vào Viện Giáo dục Kỹ thuật, các trường bách khoa và đại học.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser, công tác tại ĐHQG Singapore cho biết: “Hệ thống giáo dục Singapore đang ngày càng lấy trẻ em làm trung tâm, ít phân biệt và ít chú trọng vào thi cử hơn, đồng thời có nhiều con đường dẫn đến thành công dựa trên năng khiếu và trình độ khác nhau của học sinh”.

Theo chuyên gia này, dù những nỗ lực đó không bảo đảm tạo ra một sân chơi bình đẳng hoàn toàn, nhưng giúp sân chơi trở nên công bằng hơn cho những học sinh có hoàn cảnh kinh tế – xã hội thấp.

Thu Loan/TPO (theo ntu.edu, mithsonianmag)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)