Lựa chọn ngành nghề là cả một quá trình theo đuổi chứ không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai. Nhiều quan điểm, sự nhìn nhận trong chọn ngành nghề hiện nay đã không còn phù hợp. Vì vậy, người học cần hết sức cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với năng lực, sở thích…
TS. Lê Thị Thanh Mai (ĐHQG TP.HCM) tư vấn trong chương trình
Đây là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình Tư vấn hướng nghiệp trực tuyến “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
Bên cạnh chuyên môn cần vững vàng ngoại ngữ
ThS. Phùng Quán (Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) cho hay, ở cùng một ngành nghề đào tạo, các trường ĐH đều có chương trình khung giống nhau đến 70%, chỉ có 30% chương trình đào tạo là thuộc về đặc trưng riêng của mỗi trường. “Đơn cử như ngành khoa học máy tính của Trường ĐH KHTN, chương trình tiên tiến được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học ngành này ra trường công việc không thiếu vì TP.HCM đang rất khát nguồn nhân lực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính… Đặc biệt, học ngành này, bên cạnh chuyên môn, nếu người học còn vững vàng về ngoại ngữ thì cơ hội việc làm càng rộng mở”, ThS. Quán nói.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (HUTECH) nhìn nhận, câu chuyện chọn ngành nghề là câu chuyện thuộc về đam mê, kỹ năng; là cả một hành trình theo đuổi, học tập, khám phá trong nhiều năm chứ không phải trong ngày một, ngày hai. Với nhận định này, ThS. Phương khuyên, nếu người học có mong muốn theo đuổi các ngành nghề về du lịch trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì cũng không nên quá lo lắng. Thậm chí, sau này khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì sức bật của ngành học thậm chí còn lớn hơn, cơ hội rộng mở hơn nhiều. “Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 240 trường ĐH với 367 ngành đào tạo, trong khi lại có hơn 3.000 nghề khác nhau. Học một ngành nhưng khi ra trường các em có thể làm được nhiều nghề với nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau. Điều cần thiết nhất là các em hãy chọn được một ngành học mà mình yêu thích, có khả năng và phù hợp với năng lực, tài chính của bản thân”, ThS. Phương khuyên.
Trước những quan tâm của học sinh về khối ngành truyền thông, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh UEF) chia sẻ, hiện nay đây là lĩnh vực đào tạo rất rộng và cơ hội việc làm rất lớn song đòi hỏi người học phải có tính sáng tạo, có tố chất, thế mạnh về ngôn ngữ. Không những thế, đặt trong bối cảnh phát triển của công nghệ và sự bùng nổ của truyền thông trong xã hội ngày nay, ThS. Nguyên cho rằng người học theo đuổi ngành này cần phải trang bị thêm các kiến thức về công nghệ, sự nhạy bén cập nhật các xu hướng truyền thông mới. “Ngành này đào tạo tại nhiều trường ĐH. Mỗi trường sẽ có một thế mạnh đào tạo riêng. Các em cần tìm hiểu kỹ để tìm được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, đam mê, con đường theo đuổi cũng như điều kiện kinh tế gia đình”, ThS. Nguyên chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện chọn ngành nghề, PGS.TS Bùi Hoài Thắng (Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ một câu chuyện thực tế của sinh viên đã từng học rất giỏi ngành khoa học máy tính nhưng quyết định… rẽ ngang sau 2 năm học để theo đuổi ngành mỹ thuật. Lý do được sinh viên đưa ra là ban đầu nghĩ rằng học ngành khoa học máy tính có thể phát triển, hỗ trợ thêm cho đam mê mỹ thuật nhưng càng học thì càng thấy… không hề liên quan. “Bài học rút ra ở đây là trước khi chọn ngành nghề, các em cần phải tìm hiểu thật kỹ về ngành nghề đó. Xác định được lĩnh vực mà mình yêu thích, đối chiếu xem lĩnh vực đó có phù hợp với ngành nghề mà mình đã tìm hiểu hay không. Như vậy sẽ giúp các em không mất thời gian, tiền bạc và thậm chí là cả cơ hội nữa”, PGS.TS Thắng khuyên.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) lưu ý, khi lựa chọn ngành nghề, người học cần phải hướng đến vấn đề toàn cầu. Do đó, câu chuyện chọn ngành nghề phải được hết sức chú trọng, không nên chọn đại, không chọn khi chưa tìm hiểu kỹ.
Chương trình chất lượng cao và cử nhân tài năng khác nhau thế nào?
Đặt câu hỏi cho các chuyên gia, em Đỗ Minh Quân (lớp 12CL1) băn khoăn về chương trình chất lượng cao và chương trình cử nhân tài năng khác nhau như thế nào? Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Hải Trường An (Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM) cho hay, chương trình chất lượng cao là chương trình nhằm tăng cường dịch vụ cho sinh viên; hỗ trợ, bổ trợ các hoạt động phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên trong quá trình học tập. Điểm nổi bật của chương trình này là tăng cường học bằng tiếng Anh cho sinh viên, chú trọng ngoại ngữ đến 90% chương trình học, qua đó phát triển kỹ năng ngôn ngữ và trau dồi thêm khả năng hội nhập của người học. Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên còn được tăng cường thêm các hoạt động giao lưu, kiến tập, thực tập với doanh nghiệp. Ưu điểm nữa của chương trình chất lượng cao là lớp học có quy mô nhỏ, người học thực sự trở thành trung tâm. Trong khi đó, chương trình cử nhân tài năng là chương trình đặc biệt riêng hỗ trợ quá trình tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyên sâu về chuyên môn.
ThS. Trần Nam (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) nghe học sinh đặt câu hỏi
Ngoài hai chương trình trên, theo bà An, người học còn có thể tham khảo việc học chương trình song bằng, mang đến cơ hội học thêm các lĩnh vực khác hoặc đi chuyên sâu về lĩnh vực mà mình đang học. Ra trường sẽ được cấp hai bằng cử nhân, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn.
Tại chương trình, du học cũng là vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Để chuẩn bị du học thì cần chuẩn bị lộ trình như thế nào? Giải đáp băn khoăn này, đại diện ĐH Swinburne Việt Nam cho hay, để đi du học thì khả năng ngoại ngữ thôi chưa đủ, người học phải có khả năng thích nghi. Trong đó, phải thay đổi tư duy và nhìn nhận của bản thân, thích nghi trong ăn uống, sinh hoạt, hòa nhập. Chỉ khi thay đổi, thích nghi tư tưởng, các em mới có thể trở thành công dân toàn cầu, cạnh tranh và hòa nhập cùng với bạn bè quốc tế. Như vậy, khả năng thành công của các em sẽ cao hơn.
ThS. Trần Nam (Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết, nhiều nhận định về ngành nghề hiện nay đã không còn phù hợp; vì thế, nếu cứ dựa vào những nhận định đó có thể sẽ khiến người học hiểu sai về ngành nghề. Nêu ví dụ về ngành tâm lý học, ThS. Nam cho hay, có rất nhiều ý kiến, nhận định cho rằng ngành này chưa phát triển ở Việt Nam, còn khá mới mẻ, cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ không có. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác. Trước những thách thức ngày càng nhiều về đời sống tinh thần, tâm lý học là ngành được quan tâm hiện nay. “Tâm lý học ứng dụng rất nhiều. Do đó cơ hội việc làm cực kỳ lớn, ở tất cả các lĩnh vực chứ không hề gói gọn trong một lĩnh vực nào”, ThS. Nam khẳng định.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)