Tại cuộc họp giao ban triển khai hoạt động phòng chống dịch sáng 24-12, nhiều địa phương tại TP.HCM đề xuất học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 3-1-2022, cùng với khối 9 và 12.
Nhiều địa phương đề xuất học sinh từ khối 7 đến khối 12 được đi học trực tiếp từ ngày 3-1-2022
Đề xuất học sinh khối 7-12 đi học trực tiếp
Ông Nguyễn Thanh Thuỷ- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp nhìn nhận, tỷ lệ học sinh khối 9, 12 đi học trực tiếp trong 2 tuần thí điểm trên địa bàn quận tăng lên hàng ngày, từ hơn 91% lên hơn 93%, do sự chăm sóc tốt hơn từ phía nhà trường và phụ huynh đã có nhận thức hơn về việc cho con trở lại trường.
F0 xuất hiện đa phần do phụ huynh tầm soát tại nhà, được phối hợp thông tin kịp thời với nhà trường, giúp nhà trường phối hợp với trạm y tế, trung tâm y tế địa phương để test cho học sinh. Các ca F1 đều âm tính, việc học diễn ra bình thường.
Về phương án khi TP mở rộng quy mô học sinh đi học từ ngày 3-1-2022, lãnh đạo phòng này cho hay, các trường TH, THCS sẽ chia nửa trường đi học ngày chẵn, nữa trường đi học ngày lẻ, học sinh đi học cả ngày, nhà trường thực hiện bán trú, tránh học sinh phải đi lại nhiều lần, đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh, phụ huynh an tâm khi đi làm.
“Hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn 4 tường mầm non, 5 trường TH và 1 trường THCS vẫn đang thực hiện phòng dịch, 1 trường THCS phải học chung với THCS khác, gây khó khăn khi học sinh đi học trở lại”, ông Thuỷ nói.
Tương tự, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú- ông Trần Trọng Khiêm- thông tin, hoạt động học tập, phòng chống dịch trong 2 tuần thí điểm dạy và học trực tiếp với học sinh khối 9, 12 đã được thực hiện rất nghiêm túc. Những ngày đầu còn khó khăn nhưng càng về sau, xác định việc học trực tiếp là nhu cầu chính đáng, thiết thực, hoạt động dạy học được hướng dẫn sâu hơn với nhiều giải pháp đặc thù, hiệu quả.
“Chúng ta mới đang triển khai thí điểm dạy học trực tiếp 1 khối nên thuận lợi là toàn thầy cô cùng tham gia, hỗ trợ, vì vậy công tác dạy và học được đảm bảo an toàn cao nhất. Nếu tăng thêm nhiều khối lớp khác thì chắc chắn nhiệm vụ của thầy cô phải chia nhỏ ra song song với giảng dạy chương trình trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế sẽ gây nhiều khó khăn”, ông Khiêm thẳng thắn.
Từ khó khăn trên, lãnh đạo phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho rằng, lộ trình đi học trực tiếp cần tính toán về điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng để thầy cô có thể đáp ứng được và phục vụ tốt nhất học sinh.
“Từ ngày 3-1-2022, tôi đề xuất học sinh khối 7,8,9 sẽ được đi học sớm nhất. Với học sinh lớp 6 do các em chưa được tiêm vắc xin nên vẫn sẽ học trực tuyến. Ngoài ra, khi mở rộng thêm đối tượng phải có nguồn kinh phí hoặc nguồn test COVID-19 hiệu quả để test cho học sinh, đội ngũ, đảm bảo việc học tập lâu dài, các trường an tâm thực hiện, thầy cô, phụ huynh, học sinh cũng an tâm…”, ông Trần Trọng Khiêm kiến nghị.
Thông tin về kết quả dạy và học trực tiếp trong 2 tuần thí điểm, ông Nguyễn Thái Ông Nguyên- Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức cho hay, ban đầu tỷ lệ học sinh đi học thấp hơn 80% nhưng giờ đã tăng lên trên 92%. Khi F0 phát hiện trong nhà trường được xử lý kịp thời, bình tĩnh như hướng dẫn y tế, không hoang mang.
“TP.Thủ Đức đề xuất từ ngày 3/1/2022, cùng với học sinh khối 9, 12 thì học sinh các khối 7, 8, 10, 11 được học trực tiếp vì các em đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Một số học sinh lớp 7 sinh tháng 12 chưa được tiêm, TP cũng đang rút triển khai”.
Mặc dù vậy, ông Nguyên băn khoăn, TP.Thủ Đức đang triển khai kế hoạch tiêm vắc xin đến hết ngày 20-1, tiếp tục trưng dụng các trường tiểu học làm điểm tiêm. Nếu đội ngũ giáo viên vừa tham gia công tác phòng chống dịch địa phương, vừa tham gia lực lượng tại chỗ điểm iêm, vừa giảng dạy trực tiếp thì rất khó khăn cho đội ngũ.
Trường ngoài công lập phải lưu ý vấn đề bán trú, xe đưa rước
Về việc chuẩn bị cho lộ trình mở rộng khối lớp đi học trực tiếp từ ngày 3-1-2022, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng đề nghị các quận huyện báo cáo đầy đủ tình hình thực hiện trong 2 tuần vừa qua, làm nổi bật lên sự chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn theo quyết định của UBND TP, làm cơ sở để Sở GD-ĐT, Sở Y tế trình UBND TP.
Theo ông, chiều qua, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã có buổi làm việc, rút kinh nghiệm một số nội dung liên quan. Công tác thông tin qua lại giữa 2 ngành với các đơn vị giáo dục phải thường xuyên để kịp thời điều chỉnh và có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Riêng về hoạt động cơ sở ngoài công lập, ông Dũng đánh giá các nhà trường đã rất chủ động về phương án, kế hoạch an toàn phòng chống dịch, công tác phối hợp với phụ huynh học sinh. Vì hoạt động của các đơn vị đa phần nhiều cấp học, đa phần có xe đưa rước lớn, bán trú nội trú cũng đáng quan tâm.
“Phòng GD-ĐT các địa phương khi rà soát cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động phải lưu ý vấn đề này, thực hiện theo đúng bộ tiêu chính đánh giá an toàn trường học. Các trường cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch khi mở rộng đối tượng học trực tiếp”, Phó Giám đốc Dương Trí Dũng yêu cầu.
Yến Hoa
Bình luận (0)