Khác với các nhóm ngành khác, khoa học sức khỏe là nhóm ngành có quy chế tuyển sinh riêng. Cụ thể, với ngành y khoa và dược, ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, yêu cầu thí sinh phải có học lực từ giỏi trở lên; còn xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia thì sẽ có ngưỡng đầu vào riêng.
Các chuyên gia tham gia tư vấn trong chương trình
Thông tin này được TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến 2020 “Your Future – Your Choice” với chủ đề “Nhóm ngành khoa học sức khỏe – sinh học”, do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức mới đây. Chia sẻ tổng quan về nhóm ngành khoa học sức khỏe – sinh học, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết đây là nhóm ngành có sự đa dạng về ngành nghề đào tạo, thu hút rất đông thí sinh tham gia xét tuyển. Từ sự đa dạng, thí sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề, về trường đào tạo để có sự chọn lựa phù hợp với năng lực bản thân.
ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, HUTECH) cho hay, năm 2020, HUTECH đào tạo 8/47 ngành liên quan đến nhóm ngành trên như dược, kỹ thuật y sinh, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học…, bao gồm cả hai ngành dự kiến đào tạo là điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học. Thí sinh có nhiều phương thức đăng ký xét tuyển: Sử dụng học bạ 3 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp 11 và học kỳ I lớp 12), sử dụng học bạ lớp 12 trong tổ hợp 3 môn, điểm thi THPT quốc gia, điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, điểm thi đánh giá năng lực của HUTECH. Trong đó, với ngành dược, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ cần đạt học lực giỏi lớp 12; điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học thì tốt nghiệp lớp 12 từ khá trở lên. ThS. Phương cho biết thêm, những ngành trên có điểm trúng tuyển khá cao. Do đó, thí sinh nên tham chiếu điểm trúng tuyển của từng ngành trong một vài năm trước để ước lượng, sắp xếp và cố gắng trong việc học của mình.
Đánh giá cao về sự tác động mạnh mẽ và vai trò quan trọng của nhóm ngành khoa học sức khỏe – sinh học trong nhiều mặt của đời sống, tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực) cũng lưu ý đây là nhóm ngành có yêu cầu nhân lực trình độ ĐH cao nhất. Vì thế, khi đã yêu thích nhóm ngành này, thí sinh cần phải nỗ lực nhiều trong học tập để chọn được bậc học cao. “Theo thống kê, trong nhóm ngành này có những ngành có tới 80%, thậm chí 100% nhân lực bậc ĐH. Vì vậy, khi lựa chọn, ngoài tố chất cốt lõi của nghề, thí sinh còn phải quan tâm đến những đòi hỏi đầu vào căn cứ vào năng lực học tập của bản thân”, ông Tuấn lưu ý.
Đ.Yến
Bình luận (0)