Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều sai phạm tại Công ty Cấp nước Đắk Lắk

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa có kết luận về những sai phạm của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk (Công ty Cấp nước Đắk Lắk). Theo đó, nhiều công trình do công ty làm chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế, thi công đều bị rút ruột, tráo vật tư, thanh toán vượt khối lượng thực tế.

Cụ thể, dự án cấp nước buôn Ky, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột do Công ty Cấp nước Đắk Lắk thi công trị giá 11,146 tỉ đồng nhưng đã sai phạm trên 1,3 tỉ đồng. Trong quá trình thi công, công ty đã đào mương nhỏ hơn thiết kế để giảm khối lượng đào, đắp và khối lượng cát đệm quanh đường ống, tráo ống gang cũ được tháo dỡ từ những công trình khác thay vì phải lắp mới.
Dự án di dời tuyến ống cấp nước dọc quốc lộ 14, đoạn phía bắc TP Buôn Ma Thuột do công ty thiết kế và lập dự toán sai phạm 893 triệu đồng. Theo thiết kế, ba đường ống trên tuyến này được đặt chung trong một mương rộng 1,27m, khoảng cách giữa các ống từ 0,2-0,3m. Tuy nhiên, đơn vị thi công chỉ đào một mương nhỏ, chôn cả ba đường ống chồng khít lên nhau, đắp cát ít hơn để bớt khối lượng thi công lẫn vật tư.
Ngoài ra, khu vực này có 121m đường ống PVC D114 không phải lắp đặt mới mà chỉ đấu nối thì vẫn đưa vào dự toán, sau đó thanh toán như hạng mục làm mới… Với dự án cấp nước thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, cơ quan chức năng xác định mương chôn ống được thi công nhỏ hơn thiết kế, dự toán tính thừa khối lượng làm thất thoát trên 781 triệu đồng.
Ngoài ra, cũng theo kết luận của thanh tra, trong các năm 2006-2007, Công ty Cấp nước Đắk Lắk ký hợp đồng thi công ba công trình cấp nước tại tỉnh Bình Định, sau đó không làm mà giao khoán cho cá nhân ông Nguyễn Viết Thanh, phó giám đốc công ty, thực hiện. Quá trình thi công, công ty vẫn trả lương cho ông Thanh suốt hai năm với số tiền gần 300 triệu đồng, cấp cho ông Thanh một ôtô, trả lương lái xe đầy đủ.
Đặc biệt, ông Thanh còn được mượn tiền của công ty để thi công những công trình này mà không phải chịu lãi, trong khi theo quy chế khoán của công ty thì phải tính lãi số tiền này. Tổng số tiền ông Thanh đã được ứng vượt giá trị hợp đồng gần 4,3 tỉ đồng và bị chiếm dụng từ năm 2007 đến nay. Sau khi bị thanh tra phát hiện, ông Thanh mới trả lại cho công ty được 1 tỉ đồng.

Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)