LTS: Hai tuần qua, Sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2008 – 2009, trong đó có bộ môn Ngữ văn (các tác giả Vũ Nho, Nguyễn Duy Kha và Trần Đăng Nghĩa biên soạn) đã được phát hành rộng rãi. Đọc cuốn Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn văn, các thầy giáo dạy văn Bùi Tấn Nam, Nguyễn Viết Hòa, Đỗ Tấn Ngọc (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã bày tỏ sự bức xúc và thất vọng về nhiều sai sót, hạn chế trong nội dung.
Bê nguyên xi tài liệu cũ, sách cũ
Chúng tôi thật sự bị “sốc” khi nhận ra phần lớn các bài soạn trong sách HD ôn tập Ngữ văn năm 2009 được cóp lại y chang, không chỉnh sửa một dấu chấm, dấu phẩy trong cuốn HD ôn tập cũ, thuộc chương trình, sách giáo khoa cũ (sách năm 2008 cũng của các tác giả Vũ Nho – Nguyễn Duy Kha).
Chúng tôi xin liệt kê các bài: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập, Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước, Sóng, Người lái đò Sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Tiếng hát con tàu, Thuốc, Số phận con người, Ông già và biển cả, Tố Hữu, Nguyễn Tuân… Số lượng bài soạn bê nguyên xi sách ôn tập cũ chiếm đến 70% lượng kiến thức môn văn 12.
Ngoài ra, ý tứ trong các bài viết thiếu chỉn chu, xảy ra tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Điển hình trong bài: “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” (trang 114) (dành riêng cho bộ sách nâng cao), ở mục Kiến thức cơ bản, các nhà biên soạn bê nguyên xi nội dung, kiến thức của sách lớp 12 hệ cải cách trước đây vào. Trong khi đó, bài học “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” thuộc sách nâng cao (trang 31) lại viết khác hẳn so với sách cũ và sách chuẩn, nhất là mục “Quan điểm sáng tác văn học và phong cách nghệ thuật”.
Trong bài “Thuốc” (Lỗ Tấn), sách chuẩn và nâng cao năm nay, ở phần Tiểu dẫn không hề có nói về quá trình học các nghề của Lỗ Tấn, thế mà các tác giả lại vẫn cho vào (giống như ở sách giáo khoa cũ).
Bài “Ông già và biển cả” (Hê-minh-uê), sách giáo khoa mới đâu có mục nào đề cập và hỏi về Nguyên lý tảng băng trôi của nhà văn. Trong khi đó, tài liệu ôn tập, ở mục câu hỏi và đề văn (trang 96) là có hỏi cái mà sách mới không dạy (!).
Sai sót, thiếu chuẩn xác
Trong bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), ở phần Luyện tập, câu 5 có hỏi: So sánh cách tiếp cận sông Đà của Nguyễn Tuân với cách tiếp cận sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Gợi ý cho câu này trong bảng so sánh, ở ô giống nhau, các tác giả viết: Cùng viết tùy bút về một dòng sông (trang 57). Viết vậy là không chính xác, dễ “giết chết” học sinh như chơi. Vì tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân viết về con sông Đà ở Tây Bắc. Còn tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về con sông Hương ở Huế. Sao lại hồ đồ cho là có một dòng sông thôi? Và trong phần nghệ thuật bài học trên còn thiếu ý rất cơ bản: là chất tài hoa, tinh tế, uyên bác của nhà văn.
Trong bài “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành), phần Luyện tập, câu 1: Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh cây xà nu (trang 76). Hỏi về ý nghĩa biểu tượng nhưng đến phần gợi ý, ở ý thứ nhất, các nhà soạn sách lại trả lời sai hoàn toàn.
Xin trích dẫn cụ thể: “Xà nu sinh sôi nảy nở rất nhanh, rất khỏe. Nó là loài cây ham ánh sáng, cứng cáp và vươn lên che chở cho làng Xô Man. Tất cả những phẩm ấy thể hiện rõ sức sống bất diệt của xà nu” (trang 76). Cây xà nu phải biểu tượng cho đối tượng khác. Chứ không thể biểu tượng cho chính nó được. Sai nữa là các phẩm chất ấy không thể quy thành Sức sống bất diệt của xà nu. Trong thực tế tác phẩm, cây xà nu vẫn bị đạn đại bác kẻ thù tiêu diệt, tàn phá đấy thôi. Ngoài ra, cách gợi ý còn thiếu ý: người dân Xô Man ham tự do. Hơn nữa, cách sắp xếp ý như thế thiếu chặt chẽ, lôgic, không phù hợp với diễn biến của hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng.
Trong bài “Thuốc” (Lỗ Tấn), mục Nghệ thuật (trang 88), sách viết: “Thuốc có cốt truyện khá đơn giản mà sâu sắc giống như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tinh tế”. Câu trên đưa ra lối so sánh khập khiễng, thiếu hợp lý (có ai lại so sánh “Thuốc” như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tinh tế đâu).
Trong bài “Ôn tập về văn học nước ngoài”, câu thứ 6 có hỏi: Ý nghĩa phê phán và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn. Để trả lời cho câu hỏi trên, các tác giả viết: Điều quan trọng hơn mà Lỗ Tấn muốn thể hiện là tư tưởng yêu nước. Ý này sao có thể gọi là ý nghĩa phê phán được?
Lộn xộn, không thống nhất
Trong bài “Một người Hà Nội” (Nguyễn Khải), phần Kiến thức cơ bản, ở đoạn đầu, mục 3 (trình bày về nghệ thuật tác phẩm), các tác giả lại lộn đầu lộn đuôi, không phân biệt được ý đó là nội dung hay là nghệ thuật, trong trường hợp: “Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là bà Hiền, một người Hà Nội càng ngày càng thể hiện vẻ đẹp văn hóa và bản lĩnh của một người bình thường, một công dân của thủ đô” (trang 135).
Mục: “Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 có ba đặc điểm” cơ bản, giữa bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỷ XX (trang 13) với bài Ôn tập (trang 58) lại trình bày không thống nhất, mỗi bài một có “vẻ riêng”, gây khó khăn cho học sinh.
Ngoài những “hạt sạn” đã nêu trên, chúng tôi còn nhận thấy, chất lượng biên soạn ở từng bài cụ thể chưa tốt. Nhiều gợi ý cho các câu hỏi, đề văn phải nói là ý tứ lộn xộn, thiếu tính hệ thống, khoa học, câu từ lủng củng, nghiêng về kể lể dông dài…
Được biết, 2 năm trước đây, Bộ GD-ĐT đã từng cấm biên soạn cuốn Hướng dẫn ôn tập thi THPT các môn. Thực tế, kết quả thi tốt nghiệp các năm đó không hề giảm sút. Tại sao, hai năm nay lại cho phép trở lại?
Thiết nghĩ, hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp là không cần thiết, nó vừa làm rối loạn việc ôn tập vừa gây tốn kém, lãng phí vô ích đối với học sinh (sách dày 160 trang, giá bán 16.000 đồng, cao gấp đôi so với SGK).
B.T.Nam – N.V.Hòa – Đ.T.Ngọc (SGGP)
Bình luận (0)