Pin sạc đa năng, tay cầm cảm ứng gimble, showroom ô tô, nhà thông minh… là các sản phẩm sáng tạo vừa được học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) “trình làng” trong ngày hội STEM của trường diễn ra sáng 22-2.
Giáo viên, học sinh thích thú trải nghiệm pin sạc đa năng của học sinh trong ngày hội
Với sản phẩm pin sạc đa năng, nhóm 4 học sinh đến từ các lớp 11A1, 11A8 và 11A5 khiến học sinh, giáo viên trong trường phải trầm trồ, xếp hàng chờ đến lượt được “sạc” điện thoại.
Vũ Đoàn Đình Khôi (học sinh lớp 11A8) – đại diện nhóm thiết kế cho biết, sản phẩm pin sạc có cấu tạo bên ngoài là tấm bìa mô hình được sơn màu để trang trí, đèn led đom đóm để làm đèn ngủ; bên trong là một mạch điện với 4 viên pin được nối song song với nhau, song song với lõi đồng và bóng đèn, mạch sạc biến đổi nguồn điện cho lõi đồng, mạch sạc nhanh.
“Sản phẩm hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ, chuyển hóa từ trường sang điện năng. Điều đặc biệt của sản phẩm pin sạc đa năng là tính an toàn rất cao. Trong sản phẩm có cầu dao sẽ tự ngắt khi dòng điện quá tải, hoặc khi thiết bị sạc đầy, hay khi không sử dụng mà vẫn cắm điện” – Khôi tự tin giới thiệu.
Bạn cho biết, sản phẩm được nhóm thiết kế dựa trên kiến thức vật lý lớp 9 và lớp 11, cùng một chút tính toán về công nghệ, kỹ thuật để mang tính ứng dụng cao nhất. Việc học gắn với tạo sản phẩm ứng dụng giúp kiến thức môn học trở nên dễ hiểu, môn học trở nên gần gũi, thiết thực.
Trong khi đó, với sản phẩm tay cầm cảm ứng gimble của nhóm học sinh lớp 11A3, thay vì phải bỏ ra từ 1-10 triệu đồng để sở hữu một tay cầm cảm ứng chống rung cho điện thoại, máy ảnh, người dùng chỉ cần bỏ ra dưới 300 ngàn đồng.
Sản phẩm tay cầm chống rung của học sinh "chinh phục" nhiều giáo viên, giảng viên đại học
“Sản phẩm được tận dụng từ ống nhựa, vận dụng nguyên tắc bảo toàn momen động lượng trong vật lý để thiết kế. Vì thế sản phẩm tạo ra vừa đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, vừa có giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của học sinh. Ngoài ra, ưu điểm của sản phẩm còn đến từ việc có thể tích hợp được cả điện thoại, máy chụp hình, quay phim, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng, trong khi các sản phẩm gimbal đắt tiền khác không có. Dù vậy, sản phẩm còn một số hạn chế như nếu di chuyển nhanh thì có thể lắc. Để khắc phục, người dùng có thể di chuyển chậm hơn hoặc dùng lực mạnh hơn ở tay” – Huỳnh Nhật Quang (học sinh lớp 11A3) giới thiệu.
Không còn dạy chay, học chay Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du thông tin, đây là năm thứ 4 ngày hội STEM được tổ chức, nhằm tạo ra sân chơi học thuật để học sinh vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn, phát huy phẩm chất năng lực học sinh theo định hướng mới. “Qua mỗi năm, ngày hội ngày càng thu hút học sinh tham gia, các sản phẩm ngày càng có tính ứng dụng, thiết thực cao, hướng tới giải quyết những vấn đề xung quanh các em. Không chỉ dừng lại ở phạm vi sân chơi, ngày hội là cách để nhà trường thúc đẩy sự đổi mới trong dạy và học của giáo viên, để làm sao kích thích học sinh trong học tập, vận dụng kiến thức vào đời sống, học phải đi đôi với hành chứ không còn là dạy chay, học chay”. |
Trầm trồ các sản phẩm của học sinh về cả sự đầu tư lẫn ý tưởng sáng tạo, TS. Nguyễn Thanh Nga (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá, các sản phẩm đã thể hiện góc nhìn của các em trong giải quyết các vấn đề cuộc sống. Đặc biệt, mỗi sản phẩm đều đề cao giải pháp thông minh, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Thậm chí, nhiều sản phẩm đã có thể “thương mại hóa”.
“Qua những sản phẩm, chúng ta thấy rằng học sinh không hề bàng quang hay đứng ngoài cuộc với những xu hướng mới mà ngược lại, các em đang sáng tạo vận động vào trong chính việc học của mình. Điều này càng đặt ra yêu cầu quan trọng với người giáo viên phải luôn chủ động, không ngừng học hỏi để đưa những bài học trở nên sinh động, gần gũi hơn, nếu không chính thầy cô sẽ bị đào thải…” – TS. Nga nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)