Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều “sàng khôn” từ một chuyến đi

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết mục Giải phóng Điện Biên do tập thể giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân thực hiện
Vừa qua, thầy và trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đã có chuyến đi về nguồn tại khu căn cứ địa cách mạng Minh Đạm, Nhà tưởng niệm Anh hùng Võ Thị Sáu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
1. Người ta bảo, đến với khu căn cứ địa cách mạngMinh Đạm, không chỉ để thả hồn trở về quá khứ với những chiến tích oanh liệt mà còn thanh thản với không gian bao la của rừng, của núi, của hoa và của những cơn gió khơi xa thổi vào từ bãi tắm Thùy Dương. Ùa vào mắt những học sinh thành phố là hình ảnh con đường nhỏ với những tảng đá và cây xanh um tùm. Một em học sinh xúc động nói với tôi: “Đi như thế này, chúng em mới cảm nhận được sự khó khăn, vất vả của các anh hùng cách mạng đã phải chọn nơi đây làm căn cứ. Đường lên hiểm trở, chỗ trú ẩn u tối, không an toàn, mùa nắng thì nóng như thiêu như đốt, mùa mưa thì ẩm ướt, trơn trượt. Đến thăm căn cứ lịch sử Minh Đạm, chúng em càng thêm yêu quý những giây phút tự do mà thế hệ cha anh đã phải đánh đổi bằng chính máu, bằng chính mạng sống của mình”.
2. Rời căn cứ Minh Đạm với một chút lưu luyến, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất quê hương của người con gái Đất Đỏ giữa cái nắng hanh hao. Tại đền thờ chị Võ Thị Sáu, nhiều học sinh đã rơi lệ trước câu chuyện cuộc đời trinh liệt của chị. Và tôi tin rằng, các em sẽ hoài mang theo câu chuyện về người con gái 16 tuổi bước đến cái chết bằng lời ca, bước ra pháp trường trong cái nắng vừa lên của một ngày rực rỡ sắc xuân năm 1952 cùng mái tóc ngang lưng tung bay trong gió biển Côn Đảo. Bởi, trong buổi chiều nắng cháy hôm ấy, cậu học sinh hay nghịch ngợm của tôi, đã lắng lòng rất lâu dưới chân bức tượng chị Võ Thị Sáu và thì thầm: “Con người ta không thể tự chọn cách thức mình sinh ra, nhưng lại có thể tự chọn lý tưởng để sống, và tự chọn cách thức vẻ vang để kết thúc cuộc đời”.
Hành trình về với quê hương của chị Võ Thị Sáu đã cho thầy trò Trường THPT Bùi Thị Xuân nhiều cảm xúc. Không chỉ vậy, tôi còn đọc được niềm vui trong nhiều đôi mắt của những cô cậu học sinh bằng tuổi chị Sáu ngày xưa khi nhìn thấy quê hương chị hôm nay có những đổi thay mạnh mẽ. Trên những làng cá ở Phước Hải, từng đoàn ghe đua nhau ra khơi buông lưới; trường học, trung tâm y tế của vùng quê Đất Đỏ khang trang hơn…
3. Trong chuyến đi này, với mong muốn “Chung sức vì biển đảo quê hương”, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức đêm nhạc “Biển vẫn hát lời tình ca” tại bãi biển Long Hải với sự tham gia của hơn 400 học sinh, người dân địa phương và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Bí thư Chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chương trình là những tình cảm sâu nặng của tập thể Trường THPT Bùi Thị Xuân muốn gửi đến các anh – những người chiến sĩ và các lực lượng đang ngày đêm bám biển, bám đảo, bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mỗi một chuyến đi là một trải nghiệm, một hành trình lý thú để học hỏi. Trên chuyến xe trở về, với một chút rưng rưng, một học sinh lớp 10 đã kể lại câu chuyện về người lính già trong đội bắn chị Võ Thị Sáu. Câu chuyện khiến chúng tôi lặng đi.“Ngay sau khi thi hành án tử hình chị Sáu, sáng ngày 24-1-1952 có người lính Lê dương già trong đội bắn đã khóc, bỏ ăn suốt ngày và ngồi trên phiến đá cả đêm vì sau khi thi hành án, ông không ngủ được, đôi mắt cô gái đã ám ảnh ông, ông thề sẽ bỏ nghề. Ông ta đã nói: Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình, còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết…”.
Đỗ Đức Anh
(Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
 
“Việt Nam gấm hoa”
Đó là chủ đề chương trình ngoại khóa kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Trường THPT Bùi Thị Xuân vừa tổ chức. Đây cũng là hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Trường THPT Bùi Thị Xuân nhiệm kỳ 2015-2020. Tại chương trình, các giáo viên và học sinh đã cùng ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử với những trận đánh lưu danh sử sách; những mất mát đau thương của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, niềm vui ngày đất nước hoàn toàn thống nhất… qua các tiết mục văn nghệ, sân khấu hóa tác phẩm kịch.
Ngọc Anh
 
 

Bình luận (0)