Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều sinh viên chưa vay được vốn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tạo điều kiện cho học sinh sinh viên (HSSV) vay tiền ăn học cũng là một cách tiếp sức đến trường. Thế nhưng nhiều ngày qua, hàng trăm HSSV nghèo đang lo lắng vì đến nay vẫn chưa được ngân hàng cho vay vốn để đóng học phí, mặc dù sắp kết thúc học kỳ I.

Sinh viên nộp đơn xác nhận để làm hồ sơ vay vốn học tập tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Rất nhiều phụ huynh, HSSV gia đình hoàn cảnh khó khăn khi đến Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) địa phương để liên hệ tiếp tục vay thì bất ngờ nhận được thông báo “không giải quyết cho vay tiếp nữa vì không đủ điều kiện!”.
Siết lại đối tượng vay
Bạn Phạm Xuân Trung, SV năm 1 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (P.Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), cho biết: “Nhà tôi nghèo lắm, mẹ phải chạy vạy khắp nơi để vay nóng tiền cho tôi nhập học với hi vọng sẽ được vay vốn của Nhà nước để trả nợ. Gần tháng nay, tôi gửi giấy xác nhận của trường về cho mẹ liên hệ ngân hàng xin vay vốn nhưng không được giải quyết”.
Trung mồ côi cha, mẹ đi làm thuê kiếm sống và được địa phương cấp sổ hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Hòa – mẹ của Trung – cho biết theo hướng dẫn của cán bộ phường và NHCSXH địa phương, bà đã mang giấy xác nhận của nhà trường đến nhưng vẫn không được chấp nhận. “Cán bộ phường cứ nói hồ sơ không đúng nên không được vay. Tôi cứ đinh ninh sẽ được vay vốn nhưng chừ không cho vay thì chưa biết tính sao đây” – bà Hòa lo lắng.
Mấy tuần nay, hai chị em Trần Phương Khánh Mi, HS hệ trung cấp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng đang mất ăn mất ngủ vì đến nay vẫn chưa được vay vốn để nộp học phí. Năm học 2009-2010, hai chị em Mi (học chung trường) được vay vốn nên đã lo xong phần học phí. Nhưng năm học này Mi đang rất lo lắng: “Ba tôi đã năn nỉ chi hội phụ nữ và khu phố nhưng họ không chịu xác nhận hồ sơ với lý do không giải quyết riêng lẻ dù ngân hàng cho biết thời hạn nộp hồ sơ vay vốn vẫn còn. Nếu không có tiền đóng học phí, cả hai chị em sẽ không được thi”.
Trong ba năm (2008-2010) đã có trên 2 triệu HSSV con em của gần 1,8 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Thông qua các báo cáo tổng kết, chỉ có 2,8% số xã bình xét chưa sát đối tượng, 0,2% người vay chưa đúng đối tượng đã xử lý thu hồi. Tỉ lệ nợ quá hạn thấp, tỉ lệ hoàn trả vốn cũng khả quan, cho thấy các gia đình và học sinh đã có ý thức tốt trong việc trả nợ để tạo nguồn vốn cho vay các năm tiếp theo.
Thực tế, suốt mấy tháng qua hàng ngàn SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở rất nhiều tỉnh thành cả nước đã chạy đôn chạy đáo, làm hồ sơ giấy tờ nhưng cuối cùng vẫn chưa được vay. Huy, SV Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), buồn bã: “Trước đây, tôi được địa phương xác nhận gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng nay không được vay nữa. Cán bộ ngân hàng giải thích nguồn vốn gần hết rồi nên phải siết lại đối tượng vay”.
Bà An ở P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM đến liên hệ với điểm giao dịch NHCSXH phường để làm thủ tục vay vốn cho hai con đóng học phí. Hai năm trước bà đã được giải quyết vay cho con đang theo học tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
“Năm nay, thêm đứa nhỏ đậu CĐ, tôi tính liên hệ ngân hàng để xin vay tiền cho con học nhưng không được. Không hiểu sao Nhà nước thay đổi quy định bất ngờ quá, những phụ huynh khó khăn như chúng tôi biết xoay đâu ra tiền cho con học” – bà An nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long ở P.16, Q.Gò Vấp (TP.HCM) lại bức xúc việc NHCSXH chi nhánh Gò Vấp thu 0,5% tiền lãi vay trước. “Cán bộ tín dụng bảo muốn được vay phải trả tiền lãi trước hằng tháng… để có tiền giải quyết cho người khác vay. Tôi được biết quy định của Nhà nước là sau khi SV ra trường mới phải trả nợ. Chúng tôi khổ mới vay tiền cho con ăn học mà buộc phải trả lãi trước thì còn gì là ưu đãi” – ông Long băn khoăn.
Phát hành trái phiếu để tạo vốn
Ông Trần Văn Tiên, phó giám đốc NHCSXH TP.HCM, cho rằng: “Những trường hợp không được giải quyết cho vay là do không đủ điều kiện”. Theo ông Tiên, trước đây các hộ gia đình chỉ cần có xác nhận hoàn cảnh khó khăn là được vay. Nhưng hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại các đối tượng vay phải đúng theo quy định.
Theo đó, HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do một trong năm nguyên nhân: tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú mới được vay vốn. Nếu chỉ xác nhận gia đình hoàn cảnh khó khăn chung chung là không được vay nữa.
Việc một số phòng giao dịch NHCSXH thu lãi trước, ông Tiên giải thích theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Tuy nhiên, NHCSXH khuyến khích những hộ gia đình có điều kiện và tự nguyện trả lãi trước.
“Việc này không chỉ giúp họ nhẹ gánh trả nợ cho con sau này mà ngân hàng còn có thêm nguồn vốn để cho HSSV khác vay” – ông Tiên nói. Ông Tiên cũng cho biết thêm tại TP.HCM ngoài phần vốn T.Ư cấp, NHCSXH TP.HCM còn huy động vốn theo chỉ tiêu cấp trên giao nên chủ động được nguồn vốn. “Chưa bao giờ TP.HCM hết vốn cho HSSV vay, vấn đề là các hộ gia đình có đủ điều kiện để vay hay không” – ông Tiên khẳng định.
Trong khi đó, ông Võ Minh Hiệp – phó tổng giám đốc NHCSXH VN – cũng khẳng định: “Vốn cho HSSV vay đến nay không thiếu. Số vốn 3.000 tỉ đồng tồn đọng của học kỳ I năm học 2010-2011 đáng lẽ phải giải ngân từ cuối năm 2010 nhưng do thời điểm đó thiếu vốn nên phải chuyển sang năm 2011.
Tuy nhiên, từ tháng 3-2011 đến nay chúng tôi đã giải quyết xong số vốn này”. NHCSXH VN hiện đang tiếp tục phát hành trái phiếu để chuẩn bị nguồn vốn cho HSSV vay trong học kỳ II năm học này. “Nhu cầu cho HSSV vay trong học kỳ II này khoảng hơn 5.000 tỉ đồng. Mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng chúng tôi đang hết sức cố gắng. Chúng tôi cũng vừa phát hành thành công 1.200 tỉ đồng trái phiếu và chuẩn bị một số nguồn khác cho SV vay” – ông Hiệp cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trước ngày 1-4 Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về nguồn vốn ổn định cho cả chương trình, đảm bảo NHCSXH có đủ nguồn vốn kịp thời cho vay trước mỗi kỳ nhập học. Để thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm bổ sung nguồn vốn cho chương trình, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo: “Trong năm 2011, Bộ GD-ĐT, NHCSXH làm việc với một số trường, vận động các tổ chức tài chính cùng Nhà nước tham gia thực hiện chương trình. Phấn đấu đến năm 2012, các tổ chức tài chính, tín dụng cùng tham gia chương trình tín dụng đối với HSSV”.
TRẦN HUỲNH / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)