Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều sinh viên năm cuối vật vã thi tiếng Anh đến 3, 4 lần nhưng vẫn… rớt

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều sinh viên năm cuối thuộc thế hệ Z đang phải chật vật vì thi rớt nhiều lần mà vẫn không lấy được chứng chỉ tiếng Anh để xét tốt nghiệp.

Vật vã thi 3,4 lần vẫn chưa có nổi chứng chỉ tiếng Anh để ra trường

Đã hoàn thành hết tất cả các môn học tại trường, thậm chí là đã đi làm nhưng T.M.L (sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), vẫn chưa lấy được bằng đại học vì không có chứng chỉ ngoại ngữ. Để có đủ điều kiện ra trường, L. đã chọn thi lấy chứng chỉ VNU-EPT (kỳ thi chứng nhận tiếng Anh của ĐH Quốc gia TP.HCM) và điểm đạt tối thiểu là 176/400. 

Tuy nhiên, dù đã trải qua 3 lần thi nhưng L. vẫn chưa thể đủ điểm đậu. Mỗi lần dự thi T. cho biết thiếu từ 15 đến 25 điểm, chủ yếu mất điểm ở phần nghe, tiếp đó là đọc vì có nhiều chủ đề chưa từng đọc qua do không biết nhiều từ vựng.

Sinh viên vật vã thi rớt 4 lần vẫn chưa có bằng tiếng Anh để ra trường! - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên chỉ lo học giỏi chuyên ngành mà xem nhẹ tiếng Anh, đến khi gần xét tốt nghiệp thì mới "đầu bù tóc rối" ôn tập để thi chứng chỉ. KIM NGỌC NGHIÊN

Chi phí cho mỗi lần thi là 650.000 đồng nhưng với L. thiệt hại về mặt vật chất không là gì so với tổn thương tinh thần. L. nói: “Điều khiến bản thân thất bại chính là tâm lý chủ quan, trì hoãn việc học tiếng Anh khá lâu. Song song đó bản thân không cân bằng được giữa việc đi làm, do đó hiệu quả học tiếng Anh cũng không cao. Với tâm lý là sinh viên năm 4 mong muốn có được bằng tiếng Anh ra trường đúng hạn, mình đã đăng ký thời gian các lần thi rất sát nhau, dẫn đến việc không đủ thời gian ôn luyện”.

Hiện tại, L. đã đi làm nhưng phải xin nghỉ phép tại công ty để ôn luyện. L. đang tham gia các khóa học tiếng Anh tại trung tâm của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, để chuẩn bị cho lần thi thứ 4 vào tháng 7.

Đã hoàn thành chương trình học và thực tập cách đây 1 năm, nhưng V.D.T, sinh viên ngành giáo dục thể chất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn chưa thể lấy được bằng tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ tiếng Anh. 

T. cho biết từ khi là học sinh THPT đã không có lợi thế về môn học này nên từ lúc học ĐH đã không đăng ký học phần tiếng Anh tại trường. Theo quy định của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sinh viên chỉ cần hoàn thành 3 học phần tiếng Anh trong trường hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ bậc 3/6 trở lên theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, điểm IELTS 4.5… là đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Hiện tại, T. đang làm huấn luyện viên cá nhân cho một hệ thống phòng tập nổi tiếng tại Q.10, TP.HCM với mức thu nhập khá hấp dẫn và công việc này cũng không đòi hỏi bằng đại học. Khi được hỏi khi nào mới hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh để lấy bằng đại học thì T. nói rằng chưa sắp xếp được thời gian và ưu tiên cho việc kiếm tiền trước mắt.

Chỉ lo học giỏi chuyên ngành mà xem nhẹ tiếng Anh

Cùng cảnh ngộ với T., N.H.T sinh viên ngành sư phạm ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dù xếp loại giỏi tổng điểm chuyên ngành nhưng vẫn phải thi lại đến lần thứ 3 mới lấy được bằng B1 tương đương với trình độ bậc 3/6 theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, thì mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Mỗi lần thi, T. phải đóng 1.200.000 đồng cùng với việc thức xuyên đêm để nhồi nhét kiến thức. Nữ sinh cho biết trong thời gian còn là học sinh chỉ được học tiếng Anh kiểu qua loa để thi lấy điểm và T. cũng không có năng khiếu, đam mê với môn học này.

Ông Trần Nguyễn Mẫn Châu, giảng viên bộ môn tiếng Anh đại cương tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), sở hữu IELTS 8.5 cho biết lý do nhiều sinh viên năm cuối chật vật thi chứng chỉ ngoại ngữ để đủ điều kiện xét tốt nghiệp là một vấn đề rất phổ biến hiện nay.

“Có thể quá trình học của các bạn không tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, thường chỉ được học đại cương trong vài năm đầu, sau khi “qua môn” cũng bỏ luôn chứ không dành thời gian tự học thêm ở nhà. Vì vậy, không cải thiện được kỹ năng, thậm chí sẽ quên bớt kiến thức. Ngoài ra, các bạn còn có nhiều mối bận tâm khác ngoài việc học tiếng Anh nên không có nhiều thời gian tự học, chưa biết phương pháp học hiệu quả nên học một thời gian dài vẫn không cải thiện được mấy”, ông Châu cho biết.

Giảng viên này khuyên sinh viên nên dành thời gian học tiếng Anh ở nhà ngay cả khi đã hoàn tất những học phần tiếng Anh đại cương. Theo ông Châu, sinh viên nên có thói quen học và ôn tập từ vựng mỗi ngày, cứ duy trì thói quen tự học này đến giai đoạn nước rút thì bắt đầu tích cực luyện đề, để làm quen với cấu trúc bài thi cũng như chiến lược làm bài. Làm vậy sẽ không phải chật vật nhiều, vì đợi “nước đến chân mới nhảy” thì sẽ không đạt kết quả như mong muốn.

“Nên ôn lại những điểm ngữ pháp cơ bản cho thật chắc, đồng thời xây dựng vốn từ vựng làm nền tảng. Hiện nay có rất nhiều phương pháp học từ vựng, từ truyền thống đến sáng tạo như ghi chú sổ tay, học bằng flashcards, học bằng hình ảnh, học thông qua game… Các bạn có thể thử qua nhiều phương pháp và chọn cho mình một vài cách học hiệu quả. Nếu đang ở giai đoạn nước rút để thi chứng chỉ nên tích cực giải đề, phân tích lỗi sai và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, về lâu dài vẫn nên duy trì thói quen tiếp xúc tiếng Anh hằng ngày bằng cách đọc sách, nghe YouTube và học từ vựng mới”, Ông Châu chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh cho gen Z đang chật vật với thứ ngôn ngữ này.

Theo Kim Ngọc Nghiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)