Các nhà lãnh đạo G7 tập trung tìm tiếng nói chung về chuyện tăng cường hỗ trợ Ukraine và vấn đề năng suất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc
Hội nghị trên diễn ra giữa lúc hầu hết lãnh đạo G7 đang đối mặt nhiều thách thức nội bộ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ý một ngày sau khi con trai ông bị kết tội khai man. Nhà lãnh đạo này còn đối mặt cuộc bầu cử cam go vào tháng 11.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak có nguy cơ mất quyền lực trong cuộc bầu cử ngày 4-7 tới. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đang vật lộn với kết quả thất vọng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Gạt sang một bên những nỗi lo trên, theo Reuters, các nhà lãnh đạo G7 tập trung tìm kiếm tiếng nói chung về vấn đề tăng cường hỗ trợ Ukraine và đối phó tham vọng chính trị, kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể, hội nghị nhiều khả năng phê chuẩn kế hoạch cho Ukraine vay 50 tỉ USD thông qua việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga.
Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận rằng kế hoạch này rất phức tạp, đồng nghĩa thỏa thuận chỉ mang tính nguyên tắc. Các chuyên gia pháp lý vẫn phải làm việc về các chi tiết để thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu.
Các lãnh đạo G7 nhóm họp tại thị trấn Savelletri, vùng Puglia – Ý hôm 13-6. Ảnh: Reuters
Bên lề hội nghị, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận về hợp tác quốc phòng và an ninh song phương lâu dài.
Theo đài ABC News, thỏa thuận này không bao gồm cam kết về việc sử dụng lực lượng của Mỹ để bảo vệ Ukraine. Trước thềm hội nghị, theo đài RT, Mỹ hôm 12-6 công bố biện pháp trừng phạt thêm 300 cá nhân và tổ chức ở Nga và những nước khác.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, động thái này nhắm vào các cá nhân và công ty bị nghi ngờ tạo điều kiện cho Moscow trốn tránh đòn trừng phạt của phương Tây. Danh sách này còn có cả các công ty Trung Quốc đang bán chất bán dẫn cho Nga.
Với bước đi trên, theo Reuters, Tổng thống Joe Biden hy vọng thuyết phục các đồng minh phương Tây có lập trường cứng rắn hơn đối với chuyện Bắc Kinh hậu thuẫn Moscow và vấn đề năng suất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.
Cũng trong ngày 12-6, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ áp thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 7. Trước đó không lâu, Mỹ tăng thuế gấp 4 lần đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến bày tỏ lo ngại tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo rằng châu Âu muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Bắc Kinh.
Đội tàu hải quân Nga đến Cuba Đội tàu hải quân Nga, gồm tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân Kazan, tàu kéo Nikolay Chiker và tàu chở dầu tiếp nhiên liệu Akademik Pashin ngày 12-6 đã cập cảng ở thủ đô Havana – Cuba trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Theo đài Al Jazeera, đây được xem là màn phô trương lực lượng của Nga trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến xung đột ở Ukraine gia tăng. Là đồng minh lâu năm của Nga, Cuba đã chào đón đội tàu bằng 21 phát súng. Trước khi đến Cuba, đội tàu này đã hoàn thành cuộc huấn luyện sử dụng tên lửa chính xác cao ở Đại Tây Dương. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu ngầm và tàu khu trục được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon, tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa chống hạm Onyx. Havana nằm cách TP Key West, bang Florida – Mỹ chỉ 160 km về phía Nam. Tại Key West có một căn cứ không quân hải quân. Việc tàu hải quân Nga xuất hiện gần Mỹ diễn ra sau khi Washington và một số đồng minh phương Tây của Ukraine cho phép Kiev sử dụng vũ khí của họ nhắm vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 12-6 nói không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã chuyển tên lửa cho Cuba, nhưng nhấn mạnh Washington vẫn sẽ cảnh giác. Trước đó, Cuba cho biết chuyến thăm như vậy là thông lệ tiêu chuẩn của tàu hải quân từ các quốc gia thân thiện với Havana và đội tàu Nga không mang theo vũ khí hạt nhân. Trong ngày đội tàu hải quân Nga đến Cuba, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tiếp người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez tại thủ đô Moscow. Tại cuộc gặp, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cuba, ông Rodriguez đã kêu gọi "một giải pháp ngoại giao, xây dựng và thực tế" cho cuộc xung đột Nga – Ukraine. Huệ Bình |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)